Trong bài viết được đăng tải trên ACS Photonics ngày 17/5, một nhóm chuyên gia công nghệ đến từ Đại học New South Wales (UNSW) cho biết bức xạ nhiệt hồng ngoại có thể được sử dụng để tạo ra điện ngay cả khi mặt trời đã lặn. Đây là tiền đề cho phép họ phát triển một thiết bị bán dẫn gọi là đi-ốt bức xạ nhiệt, có thể tạo ra điện năng từ bức xạ ánh sáng hồng ngoại. Nhóm nghiên cứu sau đó cũng rất tự tin khẳng định phát hiện này sẽ là bước đầu tiên trong việc tạo ra các thiết bị hiệu quả hơn, đồng thời có thể thu được năng lượng ở quy mô lớn hơn nhiều.
Trưởng nhóm nghiên cứu, PGS. Ned Ekins-Daukes cho biết: "Sử dụng các camera chụp ảnh nhiệt, ta có thể phát hiện thấy có rất nhiều bức xạ vào ban đêm, đó là bước sóng hồng ngoại không nhìn thấy được bằng mắt thường". Thiết bị đi-ốt bức xạ nhiệt, tổng hợp từ các vật liệu có trong các thiết bị nhìn đêm, có thể thu được bức xạ nhiệt hồng ngoại và chuyển thành điện năng.
PGS. Ekins-Daukes còn cho biết, năng lượng mà mặt trời truyền đến Trái Đất vào ban ngày sẽ phản xạ trở lại vũ trụ vào ban đêm với cùng bức xạ năng lượng dưới dạng ánh sáng hồng ngoại. Thiết bị đi-ốt bức xạ nhiệt sẽ giúp thu được bức xạ nhiệt hồng ngoại này để sản xuất ra điện năng.
Theo đúng cách mà pin mặt trời có thể tạo ra điện từ năng lượng mặt trời, đi-ốt bức xạ nhiệt tạo ra điện bằng cách phát ra ánh sáng hồng ngoại vào môi trường lạnh hơn. Trong cả 2 trường hợp, sự khác biệt nhiệt độ là điều giúp tạo ra điện. Nghiên cứu còn chỉ ra thêm, đi-ốt bức xạ nhiệt tạo ra điện năng rõ ràng mặc dù với lượng rất nhỏ, ít hơn tận 100.000 lần so với lượng điện do pin mặt trời tạo ra.
Nhà khoa học Michael Nielsen, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng bằng kiến thức trong thiết kế và tối ưu hóa pin mặt trời cùng việc vay mượn vật liệu từ cộng đồng cảm biến quang giữa hồng ngoại hiện nay, các nhà khoa học hy vọng sớm thực hiện ước mơ tạo ra điện mặt trời vào ban đêm.