Khác với việc tự phát triển một hệ điều hành riêng cho đồng hồ của mình như Apple với WatchOS và Samsung với TizenOS, OPPO đã chọn lựa WearOS - một hệ điều hành được phát triển bởi Google - cho sản phẩm đồng hồ thông minh đầu tiên của mình.
Giao diện tối giản nhưng đầy đủ tính năng
Như các smartwatch khác, người dùng có thể tùy chọn và thay đổi màn hình chính của đồng hồ thông qua ứng dụng trên WearOS trên điện thoại hoặc bằng cách nhấn giữ màn hình.
Điểm thú vị của những màn hình này nằm ở việc một số màn hình chính sẽ có các chức năng nhất định và bạn hoàn toàn có thể tùy chỉnh chúng.
WearOS tập trung nhiều vào trải nghiệm của người dùng hơn là tính thẩm mỹ. Từ màn hình chính, người dùng có thể vuốt theo 4 hướng: sang trái, sang phải, lên trên và xuống dưới và mỗi hướng sẽ chuyển sang một chức năng khác nhau.
Cạnh trên sẽ đưa xuống một bảng các nút tắt tùy chọn như trên điện thoại, nơi bạn có thể bật tắt một số tính năng như cài đặt, mức độ sáng, chế độ máy bay,...một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Cạnh dưới sẽ kéo lên bảng thông báo gồm những thông báo gần nhất. Cũng như trên điện thoại, WearOS sẽ gộp các thông báo từ cùng một nguồn lại với nhau và chỉ hiện thông báo mới nhất của nhóm đó. Bạn cũng có thể lựa chọn các loại thông báo hiện lên trên đồng hồ thông qua ứng dụng trên điện thoại.
Cạnh bên trái sẽ chuyển sang trợ lý ảo Google Assistant để bạn có thể thực hiện các thao tác thông qua giọng nói. Ngoài ra, người dùng còn có thể chuyển đổi giữa các tài khoản Google khác nhau thông qua phần cài đặt ở dưới.
Một tính năng khá hay ho mà WearOS thêm vào cho Google Assistant chính là khả năng nhận diện câu nói “Ok Google” tương tự như Google Assistant trên điện thoại.
Điều này có nghĩa là khi đồng hồ nhận thấy bạn nói câu trên thì nó sẽ tự động kích hoạt trợ lý ảo. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy tính năng này trên OPPO Watch đôi khi không nhận diện được giọng nói của người dùng.
Cạnh bên phải sẽ đưa bạn sang các màn hình truy cập nhanh khác hay được gọi là các tile. WearOS cho phép bạn ghim các ứng dụng vào tile để có thể nhanh chóng xem chúng.
Tuy nhiên, số lượng tile cho phép chỉ dừng lại ở mức 5 và loại ứng dụng chỉ được gói gọn trong các ứng dụng sức khỏe của OPPO như Daily Activity (Hoạt động thường ngày), Workouts (Tập thể dục), Sleep (Ngủ), Next Event (Nhắc nhở lịch), Headlines (Tin nóng), Weather (Thời tiết) hoặc các tính năng sức khỏe cung cấp bởi Google Fit.
Việc sắp xếp các trang như trên tạo cảm giác thuận tiện và người dùng có thể truy cập vào bất kỳ tính năng nào chỉ với những cú vuốt. Ngoài ra, OPPO còn thêm vào WearOS một chút màu sắc nổi bật của ColorOS để mang đến cho người dùng một ngoại hình mới và trẻ trung.
Hiệu năng của WearOS
Chỉ có thể miêu tả WearOS bằng một cụm từ là “mượt mà.” Từ việc vuốt màn hình chính đến lựa chọn các ứng dụng đến việc kiểm tra những thông báo, mọi thứ đều diễn ra tương đối mượt mà và không có dấu hiệu bị trễ hay chậm.
Tuy nhiên, đó chỉ là với các thao tác vuốt qua lại và chọn lựa. Khi bắt đầu sử dụng các ứng dụng thì WearOS lại không thể hiện sự nổi trội. Tốc độ phản ứng có dấu hiệu bị trễ, dù không quá gây khó chịu hay bất tiện nhưng có thể cảm nhận được.
Nếu chỉ sử dụng các ứng dụng có sẵn trên đồng hồ thì độ trễ này chỉ nằm ở mức thấp hoặc không có. Nhưng một số ứng dụng sẽ làm tăng độ trễ này lên.
Khi trải nghiệm thực tế, chúng tôi sử dụng Spotify trên điện thoại và OPPO Watch đã ghi nhận và hiển thị trên đồng hồ. Nhưng khi điều khiển nhạc từ đồng hồ, thiết bị có dấu hiệu chậm nhỏ.
Kho ứng dụng cho phong phú
Tương tự như các hệ điều hành khác, WearOS cũng mang đến cho người dùng các ứng dụng có thể dùng trên đồng hồ. Để truy cập kho ứng dụng, bạn sẽ cần phải nhấn phím vật lý phía trên bên cạnh phải. Phím vật lý này cũng hoạt động như một nút trở về màn hình chính - phím home.
Đây là điểm khác biệt có thể gọi là lớn nhất giữa WearOS với các hệ điều hành khác và OPPO đã làm rất tốt khi chọn WearOS cho chiếc đồng hồ mặt vuông của mình.
Không sắp xếp tổ ong như WatchOS hay theo vòng tròn như TizenOS, WearOS thực hiện cách sắp xếp dạng lưới 3 x 3 truyền thống như trên điện thoại. Điều này tạo ra sự hài hòa với mặt đồng hồ hình vuông và người dùng còn có thể sắp xếp các ứng dụng tùy vào thói quen sử dụng chúng.
Các ứng dụng có sẵn trên WearOS đều thuộc nhóm ứng dụng theo dõi sức khỏe và một số tiện ích khác nhưng bạn luôn có thể tải thêm ứng dụng từ Play Store vào đồng hồ.
Play Store trên WearOS được chia làm nhiều mục như các ứng dụng trên điện thoại có thể dùng trên đồng hồ, các ứng dụng được đề nghị hoặc các ứng dụng tương thích tốt với WearOS và hơn thế nữa. Có thể nói đây là một cách sắp xếp tiện lợi, giúp bạn có thể tìm được loại ứng dụng mình cần.
Về tiện ích, WearOS cũng cung cấp cho bạn những ứng dụng có sẵn như ứng dụng dịch nói, ghi âm, nhắc nhở, lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng các ứng dụng gốc thì bạn sẽ khó tận dụng được hết khả năng của WearOS cũng như tích hợp chiếc OPPO Watch vào hoạt động thường ngày của mình. Để làm được điều này, bạn có thể tải thêm một số ứng dụng khác trên Play Store.
Một số ứng dụng có thể giúp đỡ bạn trong công việc như ghi âm lại cuộc hội thoại hoặc thực hiện những ghi chú quan trọng. Ứng dụng Ghi âm có sẵn trên WearOS thực hiện rất tốt nhưng bạn sẽ gặp một chút khó khăn khi những dữ liệu đó chỉ được lưu trên đồng hồ.
Về ghi chú, tuy Google có ứng dụng rất tốt trên điện thoại là Google Keeps nhưng trên đồng hồ, ứng dụng này bị hạn chế rất nhiều và chỉ có thể xem, ghi cũng như nhắc nhở ghi chú.
Nếu bạn muốn ghi chú trực tiếp từ đồng hồ, hãy tải phần mềm Notes. Loại phần mềm này cho phép bạn ghi chú bằng cách nhập bàn phím hoặc nói, hai điều mà Google Keeps thiếu sót.
Ngoài ra, WearOS còn hỗ trợ tính năng dẫn đường như các đồng hồ thông minh khác. Bạn có thể tải phần mềm Maps của Google từ Play Store. Khi bạn sử dụng Maps trên điện thoại, đồng hồ cũng sẽ tự động chuyển sang chế độ dẫn đường. Đây là một ứng dụng cực kỳ hữu ích nếu như bạn không muốn phải dừng xe và lấy điện thoại ra xem chỉ dẫn liên tục.
Tính năng giải trí cũng được đáp ứng đầy đủ khi WearOS sẽ biến OPPO Watch thành một bảng điều khiển âm nhạc. Bạn có thể tải Spotify hoặc Google Music trên đồng hồ, sau đó phát nhạc từ điện thoại và tiếp tục điều khiển trên đồng hồ.
Về các ứng dụng sức khỏe, đây là một tính năng quan trọng mà bạn sẽ cần cân nhắc khi mua bất kỳ chiếc smartwatch nào. Trên OPPO Watch có hai ứng dụng sức khỏe, Hoạt động (Daily Activity) của OPPO có sẵn trên máy và các ứng dụng của Google Fit. Tuy hoạt động độc lập nhưng cả hai đều có thể đồng bộ thông số.
Tuy nhiên, nếu so về hiệu năng thì ứng dụng Hoạt động của OPPO sẽ nhỉnh hơn một chút với giao diện thân thiện và tối giản. Thêm vào đó, ứng dụng này đồng bộ với điện thoại thông qua HeyTap Health.
WearOS sẽ yêu cầu bạn cài đặt HeyTap ngay từ lần đầu tiên do đây sẽ là nơi bạn có thể xem qua các thông số sức khỏe hoặc cài đặt các màn hình chính của đồng hồ một cách dễ dàng.
Google Fit thì không mấy nổi trội khi giao diện không được gộp chung lại và bạn sẽ phải lướt qua từng mục khác nhau để xem các thông số khác nhau. Trong khi bạn có thể xem tất cả thông số trong cùng 1 trang trong ứng dụng Hoạt động trên đồng hồ. Dù vậy, Google Fit vẫn mang đến sự đa dạng trong các bộ môn thể thao để bạn có thể lựa chọn.
Kết
OPPO đã làm rất tốt với hệ điều hành WearOS trên chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên của mình. Tuy vẫn còn một chút lỗi nhỏ về độ trễ nhưng đây là điều có thể chấp nhận được.
Nếu đang tìm một chiếc đồng hồ thông minh với mức giá không quá gây "đau ví", nhìn chung, OPPO Watch có thể là một lựa chọn nên lưu tâm.