Công Nghệ

Trái bóng World Cup Telstar 18: 5 điều thú vị ai cũng nên biết!

T. Sơn
Chia sẻ

Tất cả các trận đấu World Cup 2018 đều có một tâm điểm trên sân: trái bóng Telstar do Adidas sản xuất.

World Cup 2018 là một kì World Cup thú vị, không chỉ bởi những trận đấu cống hiến, những đường bóng đẹp hay thậm chí là các cầu thủ điển trai, mà còn bởi nó là kì thi đấu có nhiều điểm nhấn của công nghệ. Điều này được thể hiện ngay trên trái bóng chính thức Telstar 18.

Ngay cả trước khi World Cup diễn ra, Telstar 18 đã thu hút được rất nhiều sự chú ý bởi đây là lần đầu tiên một trái bóng World Cup được gắn chip NFC (công nghệ giao tiếp tầm gần). Ở trên trái Telstar 18, vị trí đặt con chip này được Adidas đánh dấu bằng một biểu tượng tương tự biểu tượng Wi-Fi.

Người dùng có thể dùng smartphone hỗ trợ đọc NFC từ tương tác với trái bóng này. Theo đó, khi đưa máy đến gần điện thoại, bạn có thể sẽ nhận được nhiều thông tin và nội dung độc quyền liên quan đến World Cup được chuyển trực tiếp về điện thoại. Thực tế, khi “mổ bụng” trái Telstar 18, người ta tìm thấy con chip NFC cực kì nhỏ bé được đặt giữa lớp cao su chống nước và lớp da.

Telstar 18 được sản xuất bằng những chất liệu có thể tài chế và chỉ có đúng 6 mảnh được gắn liền, kết nối với nhau trong một cấu trúc hoàn toàn trơn tru. Phần bề mặt ngoài của bóng có cấu trúc 3D để giúo các cầu thủ có thể cầm nắm và kiểm soát bóng tốt hơn.

Phiên bản Telstar 18 có các hoạt tiết đen - trắng được cho là lấy cảm hứng từ những không gian thành phố ở Nga. Trong khi đó, bắt đầu từ vòng loại, trái Telstar Mechta với phong cách trắng - đỏ sẽ được sử dụng. Theo FIFA, màu đỏ tượng trưng cho sức nóng của vòng loại trực tiếp của ngaỳ hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Bên cạnh việc được thử nghiệm thử tế bởi nhiều cầu thủ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chân robot để mô phỏng một cú sút của cầu thủ trong nhiều lần liên tục với tốc độ và lực khác nhau. “Từ quan điểm của chúng tôi, việc thử nghiệm cùng chân robot này sẽ giúp chúng tôi hiểu được khoảng thời gian mà giày tiếp xúc với bóng, trái bóng biến dạng ra sao, nó chứa và phục hồi năng lượng như thế nào để chuyển hoá thành tốc độ chuyền bóng hay độ xoay trái bóng khi bay,” ông Andy Harland, Giáo sư Công nghệ Thể thao tại Đại học Loughborough chia sẻ.

Dù vậy, trong vòng bảng World Cup 2018 đã ghi nhận ít nhất một vài trường hợp bóng Telstar bị xì hơi khiến trận đấu gián đoạn.

Ngày 21 tháng 3, trái bóng Telstar 18 đã cùng phi hành gia người Nga Anton Shkaplerov và các cộng sự bay vào vũ trụ cùng tàu vũ trụ Soyuz SM-08. Thậm chí, các phi hành gia sau đó đã tổ chức một trận bóng trong điều kiện không trọng lực trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Trái bóng đặc biệt này sau đó đã trở về Trái đất an toàn vào đầu tháng 6 vừa qua.

Telstar 18 thực tế là môt trái bóng được lấy cảm hứng từ trái Telstar của kì World Cup năm 1970 tại Mexico. Thời điểm đó, trái bóng Telstar là trái bóng đầu tiên có thiết kế các miếng da đen trắng (về sau trở thành hình mẫu biểu tượng của những trái bóng đá) với lý do hết sức… công nghệ:

thiết kế đen - trắng kiểu này được chọn để giúp người xem truyền hình dễ nhìn thấy trái bóng hơn trên những chiếc TV đen trắng ngày đó. Thời điểm đó, công nghệ TV màu đã được hiện thực hoá nhưng vẫn được xếp vào hạng hiếm đối với người dùng đại trà trên toàn thế giới.

Telstar cũng được đặt tên theo một vệ tinh có tên Telstar. Đây là vệ tinh đầu tiên trên thế giới có thể gửi đi các tín hiệu truyền hình trực tiếp.

Chia sẻ

Bài viết

T. Sơn

Tin mới nhất