Công Nghệ

Tin tặc dùng công nghệ nhái giọng giám đốc lấy cắp 35 triệu USD

Hà Vy
Chia sẻ

Nhà chức trách UAE cảnh báo về vụ việc điển hình hé lộ một loại thủ đoạn lừa đảo mới bằng công nghệ rất đáng lo ngại của tội phạm mạng.

Theo Forbes, hồi đầu năm 2020, một quản lý ngân hàng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) nhận được cuộc gọi điện thoại từ một người đàn ông có giọng nói mà viên quản lý nhận ra là của một vị giám đốc tại một công ty ông đã nói chuyện trước đó.

Vị giám đốc báo tin vui với người quản lý ngân hàng rằng công ty của ông ta sắp có một vụ thâu tóm và ông cần ngân hàng cấp quyền chuyển khoản số tiền rất lớn, lên tới 35 triệu USD.

Tin tặc dùng công nghệ nhái giọng giám đốc lấy cắp 35 triệu USD Ảnh 1
Mỗi người nên thận trọng hơn khi đăng tải các video hay băng âm thanh (audio) có hình ảnh, tiếng nói của mình lên mạng xã hội.

Một luật sư có tên Martin Zelner đã được thuê để điều phối việc này và người quản lý ngân hàng được nhìn thấy các email trao đổi của ông này với vị giám đốc kia, xác nhận việc số tiền đó cần chuyển đi đâu.

Vị quản lý ngân hàng tin tưởng mọi thứ đều hợp pháp và bắt đầu thực hiện lệnh chuyển tiền. Nhưng ông không hề biết mình đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi, trong đó kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ "deep voice" giả giọng vị giám đốc.

Toàn bộ nội dung sự việc được trình bày trong một tài liệu do UAE gửi tới các nhà điều tra Mỹ để nhờ hỗ trợ họ truy lùng 400.000 USD nằm trong số 35 triệu USD bị lừa lấy mất nói trên. Số tiền đó đã được chuyển vào ngân hàng Centennial Bank tại Mỹ. Tạp chí Forbes đã được tiếp cận tài liệu này.

Nhà điều tra UAE tin rằng đây là một vụ lừa đảo được lên kế hoạch và thực hiện hết sức tinh vi, liên quan tới ít nhất 17 người. Nhóm tội phạm đã chuyển số tiền lấy cắp được tới nhiều tài khoản ở khắp nơi trên thế giới.

Dù vậy, còn nhiều chi tiết trong tài liệu nói trên chưa được tiết lộ. Danh tính của các nạn nhân cũng chưa được cung cấp.

Văn phòng truy tố Dubai, đơn vị phụ trách cuộc điều tra, cũng chưa phản hồi yêu cầu thông tin thêm về sự việc của tạp chí Forbes. Luật sư Martin Zelner, vị luật sư sống tại Mỹ có liên đới vụ việc, cũng chưa phản hồi.

Theo Wall Street Journal, đây mới chỉ là vụ lừa đảo thứ hai được biết cho tới nay có sử dụng các công cụ giả giọng nói để lừa đảo, nhưng số tiền bị chiếm đoạt lớn hơn rất nhiều so với vụ đầu tiên.

Trong vụ đầu tiên xảy ra năm 2019, những kẻ lừa đảo giả giọng CEO một công ty năng lượng tại Anh để lấy cắp 240.000 USD.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Vy

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất