Căng thẳng quân sự Nga - Ukraine hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của mạng xã hội lẫn các phương tiện truyền thông. Điều này dẫn đến rất nhiều kênh sản xuất nội dung liên quan tình hình chiến sự giữa hai bên, trong đó rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Khi theo dõi những kênh này, người xem cần cẩn trọng chắt lọc thông tin và kiểm chứng nguồn tin.
Gần đây nhất, trang Thời Báo… sản xuất các nội dung cóp nhặt từ các báo khác, sau đó đặt các lời giới thiệu rất câu khách và thổi phồng nhằm lôi kéo người xem.
Chẳng hạn, hôm qua 28/2, trang này lên bài với nội dung “Quân đội Mỹ chính thức tham chiến, yểm trợ Ukraine đánh chìm hạm đội Biển Đen của Nga”. Tuy vậy đoạn video lại cung cấp thông tin theo chiều ngược lại. Người đọc tin trong đoạn clip dẫn lời từ tướng Nga cung cấp, cho hay chính tàu của Ukraine bị hạ, và không hề có chuyện hạm đội Nga bị bắn chìm. Thêm vào đó, đoạn clip nói rõ Mỹ phủ nhận tham chiến.
Dưới bài viết này, người dùng Don Coi bình luận: “Nói phét”. Người dùng Nguyễn Văn Nguyên đánh giá thông tin sai sự thật. Trong khi những người khác cho rằng trang này “xào” thông tin, “tào lao nhảm nhí”.
Trang này thường đăng các đoạn giới thiệu giật gân, câu khách, song nội dung bên trong của video thường không trùng khớp hoặc bị thổi phồng. Chẳng hạn, trong video đăng vào hôm qua, trang này viết: “...Quân Nga dính đòn nặng, Putin hoảng loạn” - những thông tin chủ quan, khó kiểm chứng.
Trên thực tế, các đoạn video do trang này sản xuất thường đọc lại các bài báo đã đăng trước đó, thường chọn đăng những thông tin trái chiều chưa rõ thực hư. Ví dụ trong video mới nhất vào khoảng 8h45 ngày 1/3, trang này ghi “Quân đội Ukraine thắng lớn, Tướng cấp cao của Nga bỏ mạng, Đoàn xe thiết giáp bị xóa sổ”. Đây đúng là những nội dung được một số bên đăng tải, song lại là thông tin từ một phía Ukraine vốn bị Nga bác bỏ.
Không chỉ trang Thời Báo… một số tài khoản khác lợi dụng tình hình chiến sự để đăng các thông tin câu khách. Xu hướng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn cả ở nước ngoài. Ví dụ, hôm 26/2, đoạn video mô tả “Máy bay MiG-29 của không quân Ukraine bắn hạ máy bay Su-35 của không quân Nga tại Kyiv” đạt hơn 1,1 triệu lượt xem trên YouTube, được tài khoản chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ lại trên mạng xã hội. Song sau đó tác giả video thừa nhận khung cảnh trong video được lấy ra từ game.
Việc người dùng mạng xã hội dựa vào các sự kiện nổi bật để tạo nội dung lôi kéo người xem không hề mới. Covid-19, các sự kiện thể thao, những cuộc thi sắc đẹp, các gameshow nổi tiếng... đều được tận dụng để “chế” nội dung nhằm câu view.
Đặc biệt, trong các cuộc giao tranh quân sự như Nga - Ukraine, cả hai bên đều tung ra thông tin có khi trái ngược nhau, việc kiểm chứng rất khó thực hiện, do đó người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng chắt lọc thông tin để tránh đọc phải nội dung không chính xác.