Dealstreet Asia đưa tin, Tiki và Sendo được cho là đã đạt thỏa thuận về việc sáp nhập. Dẫn lời một nguồn tin liên quan, KrAsia cho biết, hai sàn thương mại điện tử Tiki và Sendo đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan quản lý lĩnh vực chống độc quyền, để đảm bảo sự chấp thuận cho thương vụ này.
Theo tài liệu đăng ký kinh doanh mà Dealstreet Asia có được, hai doanh nghiệp thương mại điện tử này không có nhà đầu tư chung.
Tiki được hẫu thuẫn chính bởi JD.com và VNG. Hiện, các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 49,7% cổ phần tại Tiki. Trong khi đó, Sendo được hậu thuẫn bởi SoftBank Ventures Asia. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sendo là 63,1%.
Trước đó, vào giữa tháng 2, Dealstreet Asia cũng đã thông tin về cuộc thảo luận sáp nhập giữ Tiki và Sendo.
Tiki và Sendo là những doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước còn trụ lại trong cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam. Hai nền tảng này luôn nằm trong 4 vị trí dẫn đầu thị trường về lượt truy cập website và người dùng ứng dụng cùng với Lazada và Shopee.
Số liệu của công ty nghiên cứu thị trường iPrice cho thấy, Tiki xếp hạng 2 về lượng tải về trong số các sàn thương mại điện tử trên iOS và hạng 4 trên Android, còn Sendo xếp hạng 4 trên iOS và hạng 3 trên Android.
Thống kê cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng, trong khi Sendo lỗ gần 1.300 tỷ. Phía Tiki và Sendo cũng liên tục gọi vốn để tiếp tục duy trì.
Hồi tháng 11/2019, Sendo đã kêu gọi đầu tư 61 triệu USD cho vòng Series C, sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. Tổng số vốn đầu tư qua các vòng của Tiki cũng lên đến 62,5 triệu USD, theo tính toán của Crunchbase.
Thương vụ sáp nhập được kỳ vọng sẽ tạo ra một vị thế mới cho cả 2 bên trong cuộc đua với 2 đối thủ ngoại là Shopee và Lazada.
Ở thời điểm hiện tại, Tiki và Sendo đều chưa có phản hồi chính thức trước thông tin sáp nhập từ trang tin nước ngoài này.