Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Thực hư về những bài đăng 'gom 100.000 chữ A' đang ngập tràn trên Facebook

Duy Huỳnh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Người dùng Facebook Việt Nam đang chia sẻ rất nhiều thông tin về việc "gom 100.000 chữ A" ủng hộ cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Thực hư việc này như thế nào?

Những ngày qua, mạng xã hội Facebook tràn ngập những bài đăng về việc gom 100.000 chữ A bằng cách đăng những tấm hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao) kèm gắn thẻ (hashtag) #autism (tự kỷ), #awareness (nhận thức) và #a365 (chương trình chăm sóc thông minh cho trẻ).

Mỗi lần đăng như vậy được tính 3 chữ A. Mỗi người có thể đăng nhiều lần, và khi gom đủ 100.000 chữ A, gói tài trợ 200 triệu đồng sẽ được Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) trao cho Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) để tổ chức những lớp học miễn phí cha mẹ có con tự kỷ ở các tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý hoài nghi độ chính xác của thông tin gom 100.000 chữ A, nhất là khi sự chia sẻ liên quan đến một gói hỗ trợ tài chính. Vậy những bài đăng “gom 100.000 chữ A” đang ngập tràn trên Facebook có thực sự ý nghĩa?

Những bài đăng kêu gọi “gom 100.000 chữ A” chủ yếu mang giá trị lan tỏa, không đặt nặng việc cộng thêm những chữ A. (Ảnh chụp màn hình)

Theo tìm hiểu, chương trình nói trên là có thật và do CCIHP, VAN và một nhà tài trợ Canada thông qua A365 thực hiện. Số tiền 200 triệu đồng chắc chắn sẽ được CCIHP đại diện A365 cũng như nhà tài trợ Canada trao cho VAN, dù cho số lượng bài đăng nhiều hay ít. Hay nói rõ hơn, việc chia sẻ bài đăng chỉ nhằm mục đích lan tỏa ý nghĩa của chương trình cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn về trẻ tự kỷ.

Trong một chia sẻ với Thanh Niên, đại diện chương trình “3 chữ A” khẳng định, 200 triệu đồng không phải là mục đích cuối cùng mà chương trình hướng tới. Việc lan tỏa càng nhiều chữ A nhằm giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn về trẻ tự kỷ là mục đích quan trọng nhất.

Việc thông tin, chia sẻ để nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là như đối với trẻ mắc chứng tự kỷ là một hành động rất ý nghĩa. (Ảnh chụp màn hình)

“Mục đích chính của chương trình là lan toả nhận thức về tự kỷ trong cộng đồng tự kỷ cần được phát hiện sớm, cần được can thiệp sớm và can thiệp đúng cách. Chúng tôi thực hiện chương trình này để hưởng ứng lời kêu gọi ngày thế giới nhận thức về tự kỷ mùng 2/4 do Liên Hiệp Quốc phát động”, bà Trần Thị Ban Mai (Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - Viet Nam Autism Network) cho biết.

Cũng theo đại diện VAN: “Trong chương trình thì chúng tôi có nhắc tới A365. Tuy nhiên, A365 không phải là một nhãn hiệu thương mại mà là một website hoàn toàn miễn phí, do Mạng lưới tự kỷ Việt Nam phối hợp cùng với các nhà khoa học của Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số xây dựng, nhằm mục đích chia sẻ kiến thức và thông tin về tự kỷ đến với các gia đình có con tự kỷ tại Việt Nam”.

Còn trong một chia sẻ với Dân Việt, bà Vũ Song Hà - Phó Giám đốc CCIHP cho biết: “Chia sẻ ảnh trong tháng truyền thông nhận thức người tự kỷ nhằm giúp nhiều người hơn hiểu rằng: Tự kỷ là một khuyết tật liên quan tới sự bất thường trong sự phát triển não bộ. Hiểu để tôn trọng sự khác biệt của người tự kỷ là một sự giúp đỡ tuyệt vời với cộng đồng người tự kỷ.”

Có thể thấy, việc thông tin, chia sẻ để nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là như đối với trẻ mắc chứng tự kỷ là một hành động rất ý nghĩa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bảo mật, người dùng không nên sử dụng ảnh của con em mình khi chia sẻ ở chế độ công khai. Điều này cũng nhằm tránh việc thông tin của trẻ bị đối tượng xấu thu thập để sử dụng vào các mục đích khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất