Cứ ba người thì có một người ở Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Argentina và Hàn Quốc nói rằng họ đã nhìn thấy các thông tin sai sự thật, có thể gây nhầm lẫn về virus corona được chia sẻ trên mạng xã hội, Politico dẫn nguồn một báo cáo mới đây cho biết.
Được phát hành bởi Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford, báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh các ông lớn như Facebook hay Google đều nói rằng họ đã gỡ bỏ các thông tin sai lệch về COVID-19 được chia sẻ trên các nền tảng của mình. Dù vậy, họ vẫn bị chỉ trích vì chưa đủ nỗ lực để khắc phục vấn đề. Nhiều quốc gia và tổ chức trước đó thừa nhận vấn đề thông tin sai lệch về dịch bệnh còn có thể nguy hiểm hơn chính dịch bệnh này.
Được biết, khảo sát nói trên có sự tham gia của hơn 8.500 người ở 6 quốc gia khác nhau trong tuần cuối của tháng 3 và một vài ngày đầu tháng 4. “Động lực để người ta chia sẻ thông tin sai lệch vẫn ở đây,” Rasmus Kleis Nielsen, giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, đồng tác giả dự án, chia sẻ. “Vấn đề này không thể tự nó giải quyết được mà chúng ta cần phối hợp sâu với nhau hơn”.
Mức độ tai giả lan truyền mạnh nhất được ghi nhận ở Tây Ban Nha và Argentina khi hơn 40% số người tham gia khảo sát ở mỗi quốc gia nói rằng họ đã nhìn thấy thông tin gỉa. Trong khi đó, con số này ở Đức là 28%.
Ở Anh, con số ghi nhận được ở mức 38% số người tham gia khảo sát, trong khi đó 33% người Mỹ cho biết họ đã thấy “nhiều” hoặc “rất nhiều” thông tin sai sự thật được chia sẻ trên không gian Internet.