Dioni Amuchastegui, kỹ sư điện tại Idaho (Mỹ) cho biết rằng, trong một lần đang nghỉ trưa trên xe tải, anh vô tình phát hiện có khói bốc lên từ trong xe. Khi quan sát kỹ, anh đã bất ngờ khi phát hiện luồng khói đó bắt nguồn từ bề mặt ghế phụ, nơi chai nước lọc được đặt lên. Thậm chí, luồng khói còn khiến bề mặt ghế xuất hiện hai chiếc lỗ nhỏ.
Từ đó, Dioni Amuchastegui đã tiến hành thí nghiệm và kết quả thu được là một chai nước có thể tụ nắng và tạo ra nguồn nhiệt vượt 100 độ C. Nếu chiếc chai nước lọc được đặt trên một bề mặt tối (như ghế ngồi chẳng hạn), nguồn nhiệt tạo ra đủ để phát lửa.
Được biết, lý do cho điều tưởng chừng như vô lý này là các chai nước thường có bề mặt hình cầu và làm từ nhựa trong suốt. Nếu nó đựng nước bên trong, cái chai có khả năng trở thành một thấu kính hội tụ. Giữa trưa nắng, nhiệt độ trong xe có thể lên tới gần 60 độ C. Ánh nắng từ cửa sổ chiếu qua cái chai sẽ hội tụ vào một điểm và đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa.
Trên thực tế, việc chai nước trong xe gây hỏa hoạn cần khá nhiều yếu tố, nhưng không phải vì thế mà nó không xảy ra. Đặc biệt là vào những thời điểm nhiệt độ quá cao hoặc địa điểm mà bạn đang sống luôn lúc nào cũng nóng bức.
Nếu không bàn đến nguy cơ cháy nổ, việc uống một chai nước để trong xe khi nhiệt độ ngoài trời cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dùng. Theo một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống nước trong chai nhựa để ở nhiệt độ cao trong một thời gian dài có thể tàn phá sức khỏe mỗi ngày.
Cụ thể, theo nghiên cứu này thì khi nhiệt độ bên ngoài ở khoảng từ 80 độ F (27 độ C) - 100 độ F (38 độ C) thì nhiệt độ bên trong xe ô tô, nếu như không có điều hòa giảm nhiệt, có thể đạt ngưỡng từ 130 độ F (54 độ C) đến 172 độ F (77 độ C). Mức nhiệt này thậm chí còn cao hơn nhiệt độ của một chiếc lò nướng khi đang ở mức độ thấp nhất.