Sau khi lễ Halloween năm nay kết thúc, các nhà thiên văn học và những người yêu thích những điều kỳ bí sẽ có dịp gặp lại “sao chổi đầu lâu”. Ngôi sao chổi này đã từng xuất hiện vào đúng dịp Halloween hồi năm 2015 và được gọi với cái tên chính thức là tiểu hành tinh “2015 TB145”.
Theo Business Insider, vào ngày 7/11 tới, ngôi sao chổi chết chóc này sẽ ghé ngang trái đất một lần nữa với khoảng cách gần nhất là 40 triệu km.
NASA cho biết, ngôi sao chổi đầu lâu được phát hiện lần đầu vào ngày 11/10/2015 tại Hawaii. Do trên bề mặt tiểu hành tinh có 2 hốc khá giống với 2 hốc mắt híp vào và hình dáng trông chẳng khác một chiếc đầu lâu nên người ta còn gọi tiểu hành tinh này bằng “Tiểu hành tinh Halloween”.
Ngôi sao chổi này được chính thức đặt tên là 2015 TB145 và được NASA gọi với một cái tên khác là “quả bí đỏ vĩ đại” - cái tên vô cùng phù hợp với hình dáng kỳ quái cũng như khoảng thời gian nó lướt ngang trái đất.
Mặc dù có ngoại hình khá ghê rợn cùng với việc bay lướt qua trái đất với khoảng cách gần nhất là 500,000 km vào 3 năm trước. Tuy nhiên, ngôi sao chổi này lại không hề gây chút nguy hiểm nào đối với cư dân trái đất chúng ta.
Nếu bạn vẫn cảm thấy sợ hãi thì có thể yên tâm rằng, tiểu hành tinh này không thuộc danh sách những tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm tới trái đất bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency). Điều này đồng nghĩa với việc tiểu hành tinh này sẽ không thể va chạm với Trái Đất trong vòng 500 năm tới.
Cũng bởi vì khoảng cách khá xa mà chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng tiểu hành tinh này như một vệt sáng khi nó bay ngang qua trái đất. Một điều thú vị khác được Chủ tịch hiệp hội Thiên văn nghiệp dư của Đức - Sven Melchert chia sẻ là, thực chất hình trông cứ như hộp sọ của tiểu hành tinh này chỉ là hình ảnh được tái tạo từ camera quan sát.
Với quỹ đạo bay là 3 năm 17 ngày, tiểu hành 2015 TB145 này sẽ lại ghé thăm trái đất vào năm 2021, tính từ thời điểm bay lướt qua Trái Đất vào 7/11/2018.