Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Thêm nhiều 'hiệp sĩ' tình nguyện tham gia bảo vệ bản quyền World Cup 2018

Trong mấy ngày đầu diễn ra World Cup 2018, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng World Cup 2018 và ngăn chặn hơn 300 trường hợp. Hiện có nhiều "hiệp sĩ" và người dân tự nguyện bảo vệ bản quyền bằng cách rà soát các trường hợp vi phạm và gửi link về VTV.

Trong 3 ngày đầu tiên diễn ra Vòng chung kết World Cup 2018, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền trên Internet và xử lý hơn 300 trường hợp. Đáng chú ý, từ ngày 15/6/2018, trước tình trạng xâm phạm bản quyền World Cup 2018 tràn lan trên Internet và mạng xã hội, đã xuất hiện một nhóm “hiệp sĩ” tình nguyện rà soát, quét các link và các trang vi phạm trên mạng Internet và báo cáo về VTV, HTV để xử lý vi phạm.

Lực lượng “hiệp sĩ” đánh chặn vi phạm bản quyền ban đầu có 11 người tham gia, cho đến ngày 16/6/2018 con số này tăng lên 23 người. Vào giờ diễn ra các trận đấu trực tiếp, các anh đã ngồi rà soát, quét link, khi phát hiện vi phạm của người dùng mạng xã hội thì thực hiện báo cáo cho Goolge và Facebook ngăn chặn. Còn với các trang web cá độ bóng đá, thể thao vi phạm bản quyền nhóm sẽ gửi link vi phạm cho VTV để xử lý.

Có thể nói, việc rà soát và hỗ trợ VTV ngăn chặn vi phạm bản quyền đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Theo một thành viên sáng lập của nhóm “hiệp sĩ”, trong loạt trận đấu ngày 16/6/2018 tình trạng livesteam trên YouTube và Facebook giảm hẳn, nhiều trang livestream trên mạng sau khi bị nhóm báo cáo thì YouTube và Facebook đã ngăn chặn các video này.

Một kênh YouTube vi phạm bản quyền World Cup 2018 đã bị xóa.

“Các trận tối ngày 16/6/2018, số link vi phạm giảm đáng kể, chỉ lác đác mới phát hiện một số trang vi phạm, khác với hôm trước chúng tôi “bắt” mỏi tay, link vi phạm gửi vào Group không đếm xuể, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải rà soát kỹ để bảo vệ bản quyền World Cup. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng VTV bảo vệ bản quyền bằng mọi cách, nếu vi phạm cứ diễn ra nguy cơ Việt Nam mất bản quyền rất cao”, thành viên nói trên cho hay.

Đội ngũ đánh chặn, xử lý các trang, tài khoản vi phạm bản quyền của VTV và HTV phải làm việc 24/24 và đã ngăn chặn đáng kể các trường hợp vi phạm, trong hai ngày 300 trong số 700 trường hợp vi phạm đã bị xử lý, tuy nhiên con số còn tiếp tục tăng lên cho đến hết giải đấu. Có rất nhiều khán giả khi phát hiện World Cup 2018 bị vi phạm bản quyền đã gửi link vi phạm tới các Fanpage chính thức của VTV, tính đến nay đã có hơn 200 khán giả gửi báo cáo các trường hợp vi phạm về VTV.

Như ICTnews đã đưa tin, ngay trong lễ khai mạc và trận mở màn World Cup 2018 và tối 14/6/2018, đã có hàng trăm tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube và hàng trăm trang web đã livestream hình ảnh của World Cup 2018 lên Internet. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng bản quyền phát sóng World Cup 2018.

Vào ngày thứ 2 của giải đấu, ngay khi trận đấu giữa Ai Cập và Uruguay lúc 19h ngày 15/6 vừa khai cuộc, tình trạng livestream lại tiếp tục tái diễn tại hàng trăm trang web và tài khoản mạng xã hội. Từ đó một số thành viên của các đơn vị truyền hình trả tiền, thành viên diễn đàn mạng xã hội về truyền hình đã rủ nhau phối hợp để truy lùng, “bắt” các trang vi phạm bản quyền và gửi link cho VTV và HTV xử lý.

“Nhóm này ban đầu có 11 người tham gia, sang đến trận đấu giữa Iran và Ma rốc, có thêm 4 người nữa, nhóm hoạt động bí mật phối hợp với nhau để săn các trang web, tài khoản mạng xã hội vi phạm. Đối với tài khoản mạng xã hội vi phạm chúng tôi thực hiện báo cáo tài khoản. Còn các trang web thì gửi link cho VTV để gửi FIFA xử lý. Từ tối đến giờ chúng tôi đã quét “một rừng” tầm hơn một trăm link lậu luôn. Bắt mỏi tay mà không thể hết được”, một thành viên chủ chốt của nhóm cho hay.

Một nguồn tin từ VTV cho hay, trong ngày hôm qua 16/6, VTV đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị phối hợp ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên Internet.

Những hành vi vi phạm bản quyền phát sóng FIFA World Cup 2018:

- Đài Truyền hình địa phương hoặc các kênh trả tiền tiếp sóng của VTV mà không có sự đồng ý bị coi là vi phạm bản quyền. Trong trường hợp được chấp thuận, các đơn vị phải tiếp phát nguyên vẹn, không được thêm bớt bất kỳ yếu tố quảng cáo nào vào cấu trúc của chương trình, đảm bảo các biện pháp khóa mã tín hiệu để không tràn sóng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Các đơn vị IPTV, OTT, các nhà mạng truyền phát trận đấu trên hạ tầng này mà không được sự đồng ý của FIFA và VTV cũng bị coi là vi phạm bản quyền.

- Website, báo điện tử trích dẫn các trận đấu, cắt các clip bàn thắng đăng tải phải ghi chú rõ ràng về nguồn tin. Thời lượng sử dụng phải dưới 90 giây/trận và không được sử dụng vào mục đích thương mại.

- Khán giả có hành vi quay, livestream trên Facebook và Internet, chia sẻ đường link dưới bất cứ hình thức nào đều bị coi là vi phạm bản quyền.

Theo Điều 30 của Nghị định số 131 ban hành năm 2013 của Chính phủ, liên quan đến Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, nếu có hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu hay của tổ chức phát sóng sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo ICT News

Được quan tâm

Tin mới nhất