Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Thế dẫn đầu không thể ngăn cản của Huawei trong cuộc đua 5G

Bằng cách nào một công ty Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua phát triển một trong những công nghệ quan trọng nhất của thế kỉ này.

Một thập niên trước, vào năm 2009, ông lớn điện thoại Thuỵ Điển Teliasonera triển khai phát triển một trong những hệ thống mạng 4G đầu tiên trên thế giới tại nhiều thành phố lớn tại Bắc Âu. Với Osla, Na-Uy, Teliasonera lựa chọn một đối tác phát triển mạng 4G đầy bất ngờ: Huawei - một công ty Trung Quốc khá mờ nhạt bên ngoài lãnh thổ nước này.

Cùng năm đó, Huawei đạt được hợp đồng lớn và còn bất ngờ hơn để xây lại và thay thế hoàn toàn hệ thống mạng điện thoại di động tại Na-Uy vốn trước đó được phát triển bởi các ông lớn như Ericsson (Thuỵ Điển) và Nokia (Phần Lan). Huawei sau đó hoàn thành dự án này vượt tiến độ cùng ngân sách thấp hơn dự kiến.

Với nhiều người trong làng công nghiệp không dây, đây là một khoảnh khắc quan trọng cho Huawei, và cho cả Trung Quốc. Huawei không chỉ còn là một hãng công nghệ được người ta nhắc đến trong vai trò chiếm lĩnh thị trường nhờ giá rẻ và các sở hữu trí tuệ vay mượn. Bỗng dưng, nó trở thành một công ty với nhiều công nghệ hàng đầu, sẵn sàng cạnh tranh được cả với những ông lớn Châu Âu như Ericsson hay Nokia trên chính sân sau của họ.

“Lần đầu tiên, người ta nhận ra rằng Huawei không chỉ là một lựa chọn giá rẻ mà có thể cạnh tranh được cả về chất lượng và giá thành,” Dexter Thillien, một nhà phân tích viễn thông tại Fitch Solutions nói.

Trở lại thời điểm hiện tại, trong chưa đầy một thập niên, một phần được cho là nhờ vào những khoản hỗ trợ hàng tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc, công ty tư nhân Huawei trở thành công ty thiết bị viễn thông lớn nhất trên thế giới với doanh thu năm 2018 đạt 107 tỷ USD từ việc vận hành ở 170 quốc gia.

Nguồn: Báo cáo thường niên của Huawei.

Quan trọng hơn, Huawei trở thành cái tên dẫn đầu trong việc phát triển mạng 5G. Không giống những công nghệ tiền nhiệm, chủ yếu giúp người dùng gửi tin nhắn, lướt web hay xem video trên thiết bị của mình, mạng 5G được kì vọng sẽ cách mạng hoá cả nền kinh tế toàn cầu.

Và có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, thị phần tăng trưởng và sức mạnh công nghệ của Huawei đang mang đến thắng lợi cho chính phủ nước này trong cuộc đua thống trị thế hệ kết nối không dây mới. 5G sẽ mang đến tốc độ truy cập dữ liệu nhanh gấp nhiều lần hiện nay, và người hưởng lợi là người dùng đại trà. Thế nhưng, nó cũng mang tới công nghệ để đảm bảo trí tuệ nhân tạo vận hành trơn tru, xe tự hành không gây ra tai nạn, máy móc trong các nhà máy có thể giao tiếp trong thời gian thực trên toàn thế giới và gần như tất cả các thiết bị sẽ được kết nối với nhau.

Nói một cách ngắn gọn, 5G sẽ là trung tâm thần kinh của nền kinh tế thế kỉ 21 - và nếu Huawei tiếp tục vươn lên thì Trung Quốc sẽ đạt được một lợi thế lớn. Đây cũng là một trong những lý do khiến Mỹ lo ngại. “5G trở thành một trận chiến chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ,” Tim Ruhlig, nhà nghiên cứu 5G tại Viện Quan hệ Quốc tế Thuỵ Điển, chia sẻ. Dù vậy, tạm bỏ qua những vấn đề này, làm sao một công ty tư nhân, từng nhỏ bé và khiêm tốn, mới chỉ được thành lập 30 năm trước có thể vươn lên và làm chủ một trong những công nghệ quan trọng nhất hiện nay?

Top 10 công ty nắm giữ nhiều hồ sơ sáng chế liên quan đến 5G nhất. (Nguồn: IPlytics)

Không có một cách giải thích đơn giản nào cho sự thành công hay sức mạnh công nghệ gần đây của Huawei. Tuy nhiên, vấn đề về chi phí cỏ thể là một nguyên nhân, trang ForeignPolicy (FP) nhận định. Sự hỗ trợ của chính phủ, những bảo hộ nhất định trước sự cạnh tranh từ nước ngoài cùng thị trường nội địa khổng lồ đã khiến doanh thu của Huawei tăng lên với cấp số nhân. Bên cạnh đó, sự thành công và vươn lên của Huawei cũng có đóng góp của nhiều pha “hụt bước” của các công lớn phương Tây. Do là một công ty tư nhân, đến thời điểm này, Huawei không có nghĩa vụ phải công bố các thông tin chi tiết về tài chính của mình. Tuy nhiên, các nhà điều tra Châu Âu từng cho rằng Huawei được cấp khoản tín dụng khổng lồ lên tới 30 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, theo WSJ.

“Khoản hỗ trợ về tài chính từ chính phủ là yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng của Huawei,” Matthew Schrader, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Quỹ German Marshall, nhận định. Nó giúp Huawei phủ sóng thị trường trong nước và tạo đà mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài. Dù vậy, phía Huawei phủ nhận điều này.

Và dù cho vai trò của chính phủ Trung Quốc là gì đi nữa, Huawei rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tầm nhìn và tham vọng cá nhân của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei). Sau khi rời quân ngũ năm 39 tuổi và làm viẹc trong một công ty nhà nước có tên Shenzhen Electronics Corp., trong bốn năm, Ren nhận được khoản tín dụng 8,5 triệu USD từ ngân hàng nhà nước và sáng lập Huawei cùng chỉ 14 nhân sự.

Top 10 công ty có nhiều đóng góp kĩ thuật cho công nghệ 5G nhất. (Nguồn: IPlytics)

Ông bắt đầu với vai trò là một nhà nhập khẩu các công tắc chuyển đổi thiết bị viễn thông - một công nghệ khá cơ bản lúc đó. Năm 1990, công ty bắt đầu phát triển bộ chuyển đổi của riêng mình - nhưng thay vì hợp tác với một đối tác nước ngoài như cách làm của nhiều công ty Trung Quốc khác - Ren đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra sản phẩm thực sự của chính Huawei. Những năm đầu thập niên 90, Huawei được cho là có tới 500 nhân viên nghiên cứu và phát triển trong khi đó chỉ có 200 nhân sự sản xuất.

Năm 1993, Huawei cho ra mắt một chuyển đổi mới với quân đội Trung Quốc là khách hàng. Theo Far Eastern Economic Review, hợp đồng này là động lực để Huawei vượt qua đối thủ của mình. Đến năm 1996, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thay đổi chính sách nhằm ủng hộ các công ty viễn thông nội địa. Những năm tiếp theo đó, bằng mức giá chạm sàn và đôi khi cung cấp dịch vụ cho các đơn vị chính phủ miễn phí, đến năm 1998, Huawei liên tục tăng trưởng thị phần và mức thị phần tương đương đối thủ chính, Shanghai Bell, một liên danh nước ngoài.

Bên cạnh sự phát triển trong nước, Huawei cũng phát triển trên thị trường quốc tế bằng cách đưa ra các sản phẩm có mức chiết khấu rất cao so với đối thủ. Hiện nay, Huawei nắm trong tay tới 29% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, con số này thậm chí có thể lên tới 43% trong khi đó khu vực Mỹ Latinh là 34%, theo công ty nghiên cứu thị trường Dell’Oro Group.

Ở thời điểm hiện tại, Huawei được cho là rót tới từ 15 tỷ USD đến 20 tỷ USD mỗi năm vào hoạt động nghiên cứu và phát triển với gần 80.000 người (tương đương một nửa nhân sự của Huawei) phục vụ cho hoạt động nói trên. Điều đáng nói là Huawei có hoạt động nghiên cứu được “tích hợp rất tốt vào quá trình phản triển,” từ đó cho phép hãng này chuyển đổi từ nghiên cứu sang bán hàng rất nhanh chóng.

Huawei cũng thực hiện tích hợp theo chiều dọc ấn tượng. Không giống các đối thủ như Ericsson hay Nokia, Huawei phát triển gần như tất cả các yếu tốt của công nghệ 5G, bao gồm cả điện thoại. Công ty này ở thời điểm hiện tại đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Samsung. Huawei hiện là công ty có số lượng các hồ sơ sáng chế liên quan đến 5G nhiều nhát trên thế giới, theo Iplytics, một công ty chuyên theo dõi hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Đức.

Kết quả thử nghiệm thực tế công nghệ 5G của Huawei trong cả tần số thấp (tốt cho mức độ phủ sóng) và tần số cao (tốt cho tốc độ cao) đều cho thấy tốc độ ấn tượng. Đầu năm nay, Huawei ra mắt chipset của riêng mình biến các thiết bị 5G thành sự thực. Hãng này đồng thời tiết lộ đang có trong tay hơn 30 hợp đồng phát triển mạng 5G khắp nơi trên thế giới cùng hàng chục quốc gia khác đang chuẩn bị thực hiện kí kết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lê Nam Khánh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc