Khi vắc-xin COVID-19 sắp sửa được tung ra thị trường, các quốc gia trên thế giới lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc phân phối vắc-xin đến người dùng toàn cầu.
Theo đó, để có thể phân phối vắc-xin trên quy mô quốc gia và quốc tế, chúng ta sẽ cần đến những phương tiện có trang bị hệ thống trữ lạnh đủ mạnh, vì vắc-xin hiện nay yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.
Nếu cần, một số quốc gia phải huy động cả hệ thống kho lạnh bảo quản thực phẩm để bảo quản vắc-xin, theo Nikkei Asian Review.
Nhiều nước Châu Á phải đối mặt với những thách thức đặc biệt
Vắc-xin COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất cần được bảo quản ở khoảng -70 độ C khi vận chuyển. Nhiệt độ này lạnh hơn tới -50 độ so với bất kỳ loại vắc-xin nào khác hiện đang được sử dụng.
Do đó, hãng dược phẩm Mỹ đã chế tạo những chiếc hộp đặc biệt có thể lưu trữ từ 1.000 đến 5.000 liều ở nhiệt độ âm 70 độ C. Những chiếc hộp này có thể bảo quản vắc-xin trong tối đa 10 ngày và có thể được theo dõi qua GPS.
Hiện, loại vắc-xin này được sản xuất tại Bỉ, nơi Pfizer đặt nhà máy sản xuất, và sẽ được vận chuyển tới các nước đặt hàng bằng máy bay và xe tải.
Ngoài tủ đông, các quốc gia còn cần rất nhiều cơ sở hạ tầng khác để có thể vận chuyển và bảo quản vắc-xin COVID-19 ở nhiệt độ cần thiết. Tuy nhiên, rất ít quốc gia hiện tại có đủ năng lực để triển khai một chuỗi trữ lạnh phù hợp với tình hình phân phối vắc-xin COVID-19 hiện nay.
Theo một cuộc khảo sát được Reuters trích dẫn, chỉ có 15% hãng vận chuyển cảm thấy họ đã sẵn sàng để vận chuyển vắc-xin của Pfizer.
Nhiều nước Châu Á phải đối mặt với những thách thức đặc biệt. Chẳng hạn, Ấn Độ, quốc gia rộng lớn thường xuyên có thời tiết oi bức, cần phải tiêm vắc-xin cho hơn 1,35 tỷ người dân. Tuy nhiên, nhiều khu vực nông thôn tại nước này lại không có cơ sở hạ tầng cho chuỗi trữ lạnh.
Giám đốc điều hành của Medical Systems B, tập đoàn tiên phong trong ngành thiết bị y tế có trụ sở tại Luxembourg, sẽ đến New Delhi vào cuối tuần này để đàm phán với chính phủ Ấn Độ về việc thiết lập một dây chuyền lạnh.
Dây chuyền này bao gồm nhập khẩu hộp vận chuyển và tủ đông, sau đó xây dựng một nhà máy ở Gujarat, một bang miền Tây Ấn Độ, để sản xuất chúng trong nước.
Ngoài ra, Ấn Độ còn một lựa chọn khác là họ có thể chờ các công ty trong nước sản xuất xong vắc-xin nội địa hoặc chờ một loại vắc-xin chịu nhiệt tốt hơn.
Bên cạnh Ấn Độ, Philippines cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Chính phủ nước này đang tìm cách thiết lập các kho lạnh trên khắp đất nước. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một kế hoạch chi tiết nào được tiết lộ.
Xem thêm: Phát biểu gây bất ngờ của Elon Musk về vắc-xin COVID-19
Trung Quốc, Nhật Bản tất bật chuẩn bị cho việc vận chuyển vắc-xin
Trung Quốc hiện đang đầu tư xây dựng hẳn một mạng lưới chuỗi lạnh toàn cầu.
Cainiao Smart Logistics Network, chi nhánh hậu cần của Tập đoàn Alibaba, gần đây cho biết, họ đang hợp tác với Ethiopian Airlines để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không xuyên biên giới, xuất phát từ sân bay Thâm Quyến - nơi có một dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin dành cho xuất khẩu.
Dự kiến mỗi tuần sẽ có 2 chuyến bay vận chuyển vắc-xin từ Trung Quốc để đến Châu Phi và các nơi khác trên thế giới.
Trong khi đó, các công ty hậu cần của Nhật Bản cũng đang rất bận rộn để chuẩn bị hệ thống vận chuyển vắc-xin.
Japan Airlines gần đây đã thành lập một đội chuyên vận chuyển vắc-xin qua đường hàng không. Hãng vận chuyển có thể sắp xếp các chuyến bay thuê, trong trường hợp cơ sở sản xuất vắc-xin nằm ngoài mạng lưới dịch vụ thông thường.
Ở phạm vi trong nước, công ty vận chuyển DHL Japan hiện đã có thiết bị lưu trữ có thể giữ vắc-xin ở nhiệt độ âm 20 độ C. Yusen Logistics, một công ty trực thuộc tập đoàn vận tải biển Nippon Yusen, cũng cho biết sẽ thành lập đội vận chuyển vắc-xin của riêng mình vào đầu tháng này.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chính phủ nước này có kế hoạch cung cấp tổng cộng 3.000 kho lạnh trên toàn quốc để phục vụ mục tiêu tiêm chủng COVID-19 cho người dân Nhật Bản.
Bộ Y tế Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 vào cuối 3/2021. Để có thể đảm bảo mục tiêu ấy, kế hoạch vận chuyển vắc-xin dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong tuần này.
Xem thêm: Những hình ảnh kì bí của thế giới được phát hiện qua Google