Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của các thiết bị di động, với smartphone và máy tính là một trong những thiết bị đứng đầu danh sách các thiết bị công nghệ phổ biến nhất của thế kỷ 21.
Bên cạnh những tiện ích thiết thực, sự phát triển của chúng cũng kéo theo không ít những lo ngại về sức khỏe như các bệnh về mắt, mỏi cổ, đau lưng, gây mất ngủ, trầm cảm,… Và mới đây, các nhà khoa học vừa phát hiện việc sử dụng điện thoại, máy tính quá nhiều có thể làm thay đổi hình dạng hộp sọ của chúng ta.
Cụ thể, trường Đại học Sunshine Coast, Queensland, Úc mới đây đã công bố các hình ảnh chụp x-quang, chứng minh phần xương chẩm của hộp sọ con người có xu hướng phát triển nhiều hơn, do họ cúi đầu quá lâu lúc dùng điện thoại hay máy tính.
Theo những người thực hiện nghiên cứu, trước đây hiện tượng kể trên rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp được ghi nhận hơn, những người có phần xương chẩm phát triển bất thường trên hộp sọ thường có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi, những người thương dành khá nhiều thời gian cắm mặt vào màn hình smartphone, máy tính.
Theo bác sĩ David Shahar, một trong những người thực hiện nghiên cứu lý giải:
“Sự phát triển bất thường của xương chẩm xuất phát từ việc bộ phận này phải chịu áp lực mà hầu hết thế hệ trước đây chưa từng chịu”.
Bác sĩ David Shahar cho biết, mặc dù phần xương phát triển bất thường kia không gây ra tác động xấu nào nhưng chúng có thể sẽ tồn tại mãi, điều này có thể ảnh hưởng đến quan niệm thẩm mỹ của nhiều người.
“Tôi làm bác sĩ hơn 20 năm rồi và chỉ trong mười năm trở lại đây, tôi ngày càng phát hiện bệnh nhân của mình có sự thay đổi này trên hộp sọ”, bác sĩ David Shahar nói.