Mặc dù dòng điện thoại Android hiện chiếm 70% thị trường toàn cầu nhưng nhiều trong số chúng có nguy cơ rủi ro về bảo mật. Lý do được xác định là vì nhà sản xuất không còn hỗ trợ. Điều đó cũng có nghĩa là những phiên bản Android đã quá lạc hậu sẽ không có tính an toàn trong bảo mật thông tin.
Theo số liệu báo cáo, nhiều người đánh giá thấp tầm quan trọng của các bản vá. "Một số vẫn sử dụng smartphone dễ bị tấn công sau nhiều năm kể từ khi nhà sản xuất tuyên bố nó đã lỗi thời. Ngay cả khi sản phẩm vẫn được hỗ trợ, họ thậm chí cũng quên thao tác cập nhật này".
Được biết hiện vẫn có rất nhiều điện thoại chạy những bản Android đã phát hành cách đây rất lâu. Điển hình là Android 10 ra mắt năm 2019 vẫn đang chạy trên 10,76% thiết bị trong khi Google tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ từ tháng 9.
Ngoài ra, không tính đến Android 10, theo số liệu khảo sát mới cập nhật, hiện nay vẫn có khoảng 20% smartphone chạy hệ điều hành của Google dễ bị tấn công.
Chính vì vậy, Bitdefender đưa ra lời khuyên nên "xem xét thời gian hỗ trợ của nhà sản xuất khi mua một thiết bị mới". Hãng bảo mật của Romania cũng khuyến cáo nên tránh sử dụng các máy không còn được nâng cấp, cập nhật bản vá.
Với hệ điều hành iOS trên Apple, thống kê cho thấy có khoảng 20-30% lượng người dùng cập nhật ngay lên phiên bản mới chỉ sau một tuần ra mắt. Hơn nữa Apple cũng thường có thời gian hỗ trợ lâu hơn, như với iOS 16, iPhone 8 ra mắt từ năm 2017 vẫn được nâng cấp. Trong khi đó, điện thoại Android thường phải chờ cập nhật từ hãng sản xuất phần cứng sau khi Google công bố phiên bản mới.