Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang tiến hành các biện pháp để siết chặt giao dịch trên thị trường tiền điện tử nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, trong đó có trốn thuế.
“Tiền điện tử đang tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, trong đó có cả việc trốn thuế”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một thông báo ngày 20/5.
“Đây là lý do tại sao Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra yêu cầu bổ sung thêm nguồn lực cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền điện tử.
Xem thêm: Trung Quốc 'cấm cửa' tiền số, Bitcoin lao dốc không phanh
Mặt khác, bất kỳ giao dịch tiền điện tử nào có giá trị từ 10.000 USD trở lên đều phải được báo cáo với IRS”, thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ lập tức khiến đồng Bitcoin mất đà phục hồi sau cú lao dốc kinh hoàng hôm 19/5, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm giao dịch thanh toán bằng tiền ảo và cảnh báo rủi ro về tiền ảo.
Giá Bitcoin thời điểm đó lao dốc mạnh về sát ngưỡng 30.000 USD, tuy nhiên chỉ sau 1 ngày, tiền ảo này đã phục hồi, vượt 40.000 USD.
Trong những tháng qua, ngày càng nhiều nhà phân tích Phố Wall đã đưa cảnh báo, các cơ quan quản lý tại Bộ Tài chính và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán(SEC) có thể sẽ đóng vai trò tích cực trong việc quản lý tiền điện tử.
Động thái của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy biện pháp mạnh của chính quyền Biden, trong việc kiểm soát tình trạng trốn thuế và thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn. Các cơ quan của Mỹ đang cân nhắc đề xuất hỗ trợ Sở Thuế vụ Mỹ các công nghệ và hình phạt nghiêm khắc hơn với người trốn thuế.
Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler, hy vọng Quốc hội sẽ trao quyền quản lý rộng hơn cho cơ quan quản lý để đảm bảo công bằng, những nhà đầu tư, đồng thời ngăn chặn việc thao túng thị trường.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà tại Mỹ cũng coi thiết lập quy định về tiền mã hoá là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021, khi giá Bitcoin và các tài sản điện tử tăng vọt trong năm ngoái.