Như chúng ta đã biết, Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019 - SEA Games 30 đã chính thức diễn ra từ ngày 25/11 - 10/12/2019 tại Philippines.
Tại SEA Games 30, các đội bóng phải thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, thứ không chỉ khiến xử lý bóng khó hơn, mà còn khiến cầu thủ dễ dính chấn thương. Điều này cũng là một trong những lý do khiến U22 Thái Lan vất vả lắm mới thắng được U22 Lào, trong khi U22 Việt Nam cũng chịu cảnh tương tự trước U22 Singapore.
Cỏ nhân tạo là gì?
Cỏ nhân tạo (hay cỏ nhựa, cỏ plastic) tên tiếng Anh là Artificial Grass (hoặc Artificial Turf). Đây là một loại cỏ được sản xuất từ sợi tổng hợp (Synthetic fiber) thường được sử dụng trong thi đấu thể thao, như sân cỏ nhân tạo trong bóng đá. Do đặc tính nổi bật bền, tốn ít công chăm sóc, thân thiện với môi trường nên cỏ nhân tạo là sản phẩm lý tưởng được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi khác nhau.
Không giống như cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo có những đặc tính đáng ghi nhận như:
- Dễ dàng lắp đặt, ít đòi hỏi về nền đất, có thể được lắp đặt trên nền bê tông, nhựa đường, cát hoặc cũng có thể là một bề mặt cứng khác.
- Có tuổi thọ cao, chi phí bảo trì thấp, hiệu suất khai thác sử dụng cao nên mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người đầu tư. Nếu so sánh với cỏ tự nhiên chi phí bảo dưỡng cỏ nhân tạo chỉ bằng 1/20.
- Cỏ nhân tạo không bị chịu tác động của thời tiết, địa lý, độ cao và các vùng khí hậu khắc nghiệt khác. Có thể dùng ở mọi được ở mọi địa hình…
Sân cỏ nhân tạo, ác mộng với các đội bóng ở SEA Games
Tuy nhiên, đi kèm với một số ưu điểm kể trên là rất nhiều những khuyết điểm mà các cầu thủ từ U22 Việt Nam cho đến Thái Lan cảm thấy đáng ngại hơn đáng mừng, vì đã quen ăn tập từ nhỏ với sân cỏ tự nhiên.
Theo đó, cầu thủ đã quen thi đấu trên sân cỏ tự nhiên khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo rất dễ bị chấn thương vì mặt sân quá cứng, lực phản xạ từ mặt sân đến cầu thủ trong những pha va chạm cũng lớn hơn.
Trước khi sang Philippines “chinh chiến”, HLV Park Hang-seo đã liên tục nhấn mạnh việc thi đấu trên sân cỏ nhân tạo là điều đáng ngại nhất của U22 Việt Nam. Và cho đến thời điểm hiện tại, khi các cầu thủ tuyển nam, nữ U22 Việt Nam liên tiếp gặp phải chấn thương thì chúng ta mới được kiểm chứng điều này.
Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chấn thương dây chằng tăng 45% trên sân cỏ nhân tạo. Đó là do các cầu thủ đã quen thực hiện động tác dừng và chuyển hướng đột ngột trên sân cỏ tự nhiên, khi thực hiện điều tương tự trên sân nhân tạo sẽ nhanh chóng gặp chấn thương vì thiếu độ bám dính.
Đặc biệt với những đội bóng có lối chơi kỹ thuật như U22 Việt Nam thì chất lượng đường chuyền trên sân cỏ nhân tạo cũng là một điểm trừ vô cùng lớn.
“Sân nhân tạo có thể ảnh hưởng nhiều đến những đường chuyền của cầu thủ. Vì bóng sẽ lập bập dẫn đến việc khống chế gặp khó khăn. Nếu lòng chân không đá chuẩn thì khó chuyền chuẩn xác”, tiền vệ Phan Thanh Hậu từng chia sẻ về những khó khăn khi thi đấu ở mặt sân nhân tạo trên trang chủ VFF.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học tại California, ở cùng điều kiện thời tiết và lực tác động, thời gian bóng lăn trên sân cỏ nhân tạo là gần gấp đôi sân cỏ tự nhiên. Độ nảy của bóng trên sân cỏ nhân tạo cũng nhiều hơn 10% so với sân tự nhiên. Chưa kể, những mảnh cao su trên sân cỏ nhân tạo cũng khiến nhiệt độ trên sân cỏ nhân tạo tăng lên hơn khoảng 10 độ C.
Ở trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Lào tại lượt đấu thứ 2 môn bóng đá nam SEA Games 2019, cầu thủ Nguyễn Quang Hải đã rất tốt và ghi được cho mình một bàn thắng, qua đó giúp U22 Việt Nam đánh bại U22 Lào với tỷ số 6-1. Tuy nhiên, đây cũng là trận đầu tiên mà Quang Hải chơi trên sân cỏ nhân tạo tại Philippines và nó cũng khiến chàng cầu thủ 22 tuổi này gặp khá nhiều rắc rối:
“Thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo khó hơn so với chơi trên mặt cỏ tự nhiên. Độ nảy trái bóng trên mặt sân này cũng rất khác. Tôi chẳng biết bóng sẽ bay đi đâu nên mới đầu nhập cuộc khá khó khăn”, Quang Hải chia sẻ với báo chí.