Đây là hiệu suất hàng quý tồi tệ nhất của Bitcoin kể từ quý III/2011. Thời điểm đó Bitcoin thiệt hại 68,1% giá trị. Riêng tháng 6, Bitcoin đã giảm khoảng 39,8%, hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2010.
Tương tự, Ethereum giảm khoảng 69,3% trong quý II, giai đoạn tồi tệ nhất kể từ thời điểm ra đời vào năm 2015.
Thị trường tiền mã hóa đã phải chịu hàng loạt áp lực lớn trong quý này trong bối cảnh lạm phát toàn cầu buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải gia tăng lãi suất. Động thái này đã kích hoạt làn sóng bán tháo các loại tài sản rủi ro, ví dụ như cổ phiếu và tiền mã hóa.
Đà sụt giảm cũng bộc lộ một số vấn đề của công ty và dự án tiền mã hóa, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực cho vay hay có đòn bẩy tài chính cao. Việc stablecoin UST và token LUNA do đội ngũ Terra phát triển sụp đổ vào tháng 5 là lời cảnh báo cho thấy bất kỳ dự án nào cũng có nguy cơ bị đe dọa.
Tháng 6, công ty cho vay tiền mã hóa Celsius thông báo tạm dừng hoạt động rút tiền của khách hàng với lý do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.
Tuần trước, sàn giao dịch tiền mã hóa CoinFlex cũng có động thái và lý do tương tự. Sàn đồng thời tuyên bố nhà đầu tư kỳ cựu Roger Ver đang nợ khoảng 47 triệu USD sau khi tài khoản bị âm vốn chủ sở hữu. Bản thân Ver sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Gần nhất, quỹ đầu cơ tiền mã hóa nổi tiếng Three Arrows Capital cũng được cho là rơi vào trạng thái vỡ nợ và bị thanh lý khi không thể thanh toán khoảng 670 triệu USD.
Những diễn biến tiêu cực của thị trường báo hiệu nguy cơ mùa đông tiền mã hóa sắp đến cũng như ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của nhiều công ty trong ngành như Coinbase hay BlockFi.
Jacob Joseph - nhà phân tích tại CryptoCompare - lưu ý trong quá khứ, Bitcoin từng giảm từ mức đỉnh 19.871 USD trong quý IV/2017 xuống còn 3.170 USD trong quý IV/2018. Xa hơn, Bitcoin từng giảm từ 1.239 USD trong quý IV/2013 xuống 221 USD trong quý II/2015.
“Việc này cho thấy chúng ta có thể phải trải qua thêm một thời kỳ suy thoái nếu điều kiện kinh tế vĩ mô tồi tệ tiếp tục kéo dài”, vị này cho biết.