Reuters đưa tin, trong một nghiên cứu dựa trên dữ liệu về bộ gen của virus SARS-CoV-2 từ 46.723 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 99 quốc gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện đến 12.700 biến thể của mầm bệnh này.
"Điều may mắn là, chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ đột biến nào có khả năng đẩy nhanh quá trình lây lan của virus SARS-CoV-2", giáo sư Lucy van Dorp từ Đại học London (UCL) cho biết.
Trước đó, từng có không ít lo ngại quá trình đột biến sẽ giúp virus Corona lây nhiễm nhanh hơn.
Xem thêm: Giá cước xe công nghệ có thể tăng do thuế VAT tăng từ 3% lên 10%?
Dẫu vậy, bà Dorp cũng cho biết thêm rằng: "Chúng ta vẫn cần cảnh giác và tiếp tục theo dõi các chủng đột biến của virus SARS-CoV-2, ngay cả khi vắc-xin COVID-19 được phân bố và tiêm ngừa."
Theo Reuters, hầu hết virus đều biến đổi nhưng phần lớn các đột biến này đều ở dạng trung tính, chỉ một số ít có tác động tích cực hoặc tiêu cực lên mầm bệnh.
Do đó, các nhà nghiên cứu phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh để duy trì tính hiệu quả của vắc-xin.
Giáo sư Francois Balloux của Đại học London cho biết, kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy, sự xuất hiện của hàng nghìn biến thể khác của virus SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của vắc-xin COVID-19 hiện tại.
Tuy nhiên, Giáo sư Balloux vẫn cảnh báo rằng, việc áp dụng vắc-xin trên diện rộng trong thời gian tới có thể khiến mầm bệnh COVID-19 biến đổi theo hướng khó lường hơn, nhằm xâm nhập vào cơ thể người.
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học London và Đại học Oxford của Anh, kết hợp đồng thời với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc tế (CIRAD) và Đại học Reunion Island của Pháp.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong số hơn 12.706 biến thể được phát hiện, có 398 chủng đột biến xuất hiện lặp lại và độc lập.
Dưới đây là khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng ngừa virus Corona:
1. Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.
3. Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho hoặc hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.
4. Báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Đến cơ sở y tế cáng sớm càng tốt.
5. Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín.
6. Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.
7. Khi tới chỗ đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh nên đeo khẩu trang.
8. Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng khi đang sử dụng.
9. Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác sau khi dùng và sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.
Xem thêm: Tại sao 'thử thách MoMo' có thể điều khiển tâm trí của trẻ em làm điều dại dột?