Thông thường, khi smartphone gặp trục trặc, hầu hết mọi người đều sẽ có suy nghĩ mang đến ngay cửa hàng điện thoại để sửa chữa thiết bị. Và khi đã gửi điện thoại lại cửa hàng để sửa, khách hàng thường không quan tâm, nghi ngờ gì mà chỉ cần biết ngày hẹn để đến lấy.
Tuy nhiên, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến những hình ảnh, clip nhạy cảm của chủ nhân chiếc điện thoại bị lộ lọt hoặc phát tán trên Internet.
“Khi chúng ta đưa một thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, laptop… cùng mật khẩu thiết bị cho người khác (cụ thể ở đây có thể là kỹ thuật viên sửa chữa) thì người đó có toàn quyền sử dụng thiết bị của chúng ta. Ngoài việc sửa chữa thì họ có thể sao lưu, lấy cắp dữ liệu…”, ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Dịch vụ An ninh mạng của Công ty Bkav, chia sẻ.
Trong thời điểm ngày càng có nhiều người mang theo bên mình những chiếc smartphone chứa các thông tin nhạy cảm như hình ảnh, danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi,… và rất nhiều thông tin cá nhân khác, chúng ta càng phải cảnh giác và tự bảo vệ mình trước tình huống “bất đắc dĩ”.
Theo vị chuyên gia, người dùng nên lưu trữ những dữ liệu quan trọng trước khi sửa và chọn sửa chữa điện thoại tại các cửa hàng uy tín.
“Các bạn nên lựa chọn địa chỉ dịch vụ sửa chữa uy tín, có cam kết đảm bảo. Nếu không may xảy ra sự cố rò rỉ dữ liệu cá nhân, chúng ta sẽ dễ dò ra đầu mối nguyên nhân hơn”, chuyên gia Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.
Vị chuyên gia an ninh mạng cũng cho biết thêm, trong trường hợp người dùng có ý định bán lại thiết bị điện tử cá nhân (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính…), thì thao tác không thể bỏ qua là “format factory” - cài đặt lại thiết bị di động về cấu hình gốc để xóa sạch dữ liệu. Đối với thiết bị lưu trữ là thẻ nhớ, ổ cứng thì cũng cần format hoàn toàn.
Đối với những dữ liệu cá nhân được lưu trên máy chủ trực tuyến (Facebook, email, iCloud, Google Drive…), thì hàng rào mật khẩu mạnh là cách đơn giản và hiệu quả nhất để người dùng tự bảo vệ mình.
Người dùng cũng không nên đặt những mật khẩu đơn giản, hoặc lấy ngày sinh làm mật khẩu. Cùng với đó, người dùng nên rèn thói quen thay đổi mật khẩu định kỳ. Với những tài khoản thông thường như mạng xã hội, email thì định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm cần đổi một lần. Với những tài khoản quan trọng như tài khoản ngân hàng, ATM thì chỉ 3 đến 6 tháng cần đổi một lần.
Cuối cùng, người dùng cũng nên thiết lập đăng nhập với bảo mật 2 lớp, trong đó, mỗi lần đăng nhập phải cần thêm mã OTP gửi về điện thoại, để tăng khả năng kiểm soát an toàn cho tài khoản trực tuyến.