Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Nội bộ Apple bất ổn giữa lúc iPhone 13 thắng lớn

Những chuyện hậu trường về Apple đang dần được đưa ra ánh sáng khi công ty này đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong nội bộ nhân viên.

Apple nổi tiếng ở Thung lũng Silicon vì văn hóa doanh nghiệp đặt bí mật lên hàng đầu, yêu cầu người lao động tuân theo sự quản lý của ban lãnh đạo và không bao giờ trao đổi chi tiết công việc ngay cả với đồng nghiệp, và sự im lặng này dần để lộ nhiều mặt trái. 

Nội bộ Apple bất ổn giữa lúc iPhone 13 thắng lớn Ảnh 1
Apple là công ty kín kẽ bậc nhất Thung lũng Silicon. AFP/GETTY IMAGES

Tấm màn bí mật che phủ Apple

Theo New York Times, do muốn duy trì văn hóa giữ bí mật, Apple không khuyến khích nhân viên chia sẻ những nỗi lo của họ với đồng nghiệp, báo chí hay trên mạng xã hội.

Christine Dehus - người đã làm việc tại Apple 5 năm và rời đi vào tháng 8 cho biết: “Apple có văn hóa giữ bí mật rất độc hại. Một mặt, tôi hiểu việc giữ bí mật sẽ giúp bảo mật sản phẩm, đem đến sự ngạc nhiên và thích thú cho khách hàng. Nhưng văn hóa này đang gây tổn hại khi lan sang các khu vực khác".

Cố CEO Apple Steve Jobs là người rất xem trọng bí mật. Ông bị ám ảnh với việc ngăn chặn rò rỉ thông tin về sản phẩm mới của Apple vì muốn công chúng trầm trồ vào ngày ra mắt chính thức. 

Nội bộ Apple bất ổn giữa lúc iPhone 13 thắng lớn Ảnh 2
Văn hóa giữ bí mật đã có từ thời Steve Jobs. CHỤP MÀN HÌNH

Với tôn chỉ đó, Apple giữ các nhóm nhân viên làm việc tách biệt với nhau để ngăn rò rỉ thông tin. Không có bảng tin nội bộ để nhân viên trao đổi công việc, cho đến khi "nhà táo" bắt đầu sử dụng dịch vụ nhắn tin Slack vào năm 2019. Theo Cnet, ứng dụng Slack đã phá vỡ bức tường giao tiếp giữa các nhóm nhân viên trong Apple. Họ cũng bắt đầu tìm đến Twitter, Discord và nhiều nơi khác để thảo luận và bắt đầu yêu cầu cải cách văn hóa làm việc trong công ty. 

Những bất ổn gia tăng

Trong tháng qua, hơn 500 người làm việc cho Apple đã kể lại các trải nghiệm bị lạm dụng, quấy rối, trả thù và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Họ tập hợp lại thành nhóm khởi xướng phong trào AppleToo, thể theo phong trào MeToo trong giới giải trí, dẫn đầu là hai nhân viên Apple Cher Scarlett và Janneke Parrish. 

Để phần nào trấn an nhân viên, CEO Tim Cook mở một cuộc họp vào hôm 17.9, lắng nghe những phản ánh của họ về điều kiện làm việc, chênh lệch mức lương và tình trạng quấy rối nơi công sở. Bà Janneke Parrish đề xuất nên có nhiều phụ nữ và người da màu được đề bạt vào các vai trò lãnh đạo. 

Sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống, nhiều nhân viên Apple từ chối trở lại văn phòng và gửi bản kiến nghị yêu cầu được làm việc từ xa, nhưng ban lãnh đạo không chấp nhận đề nghị của họ. Đây là một trong những mâu thuẫn hàng đầu khiến nội bộ Apple lục đục suốt thời gian qua. Nhân viên Apple phàn nàn chi phí sống ở Thung lũng Silicon quá đắt đỏ. Nếu không thuê nhà gần nơi làm việc, họ thường phải mất 2 - 4 tiếng đi về giữa cơ quan và nhà ở. 

Dù hứa hẹn sẽ giảm số ngày đến văn phòng làm việc và xem xét lại vấn đề lương bổng, những lời trấn an của CEO Tim Cook không thể dập tan xung đột. Một số nhân viên ủng hộ ông, số khác lại không hài lòng trước cách giải quyết của "thuyền trưởng" Apple. Bà Parrish cho rằng Tim Cook không thực sự lắng nghe tiếng nói của nhân viên. 

Nội bộ Apple bất ổn giữa lúc iPhone 13 thắng lớn Ảnh 3
Nhân viên Apple cảm thấy tù túng khi không được lên tiếng phản ánh bất công. AFP/GETTY IMAGES

Bên cạnh nhóm AppleToo, công ty còn phải đối phó với những cá nhân bất mãn đang tìm cách lên tiếng trước công chúng. Làm việc cho Apple suốt 6 năm, Ashley Gjovik - cựu giám đốc kỹ thuật lại bị công ty sa thải với lý do làm lộ thông tin sản phẩm, nhưng công ty không cho bà biết thông tin mà bà bị buộc tội tiết lộ là gì. Bà đã nộp đơn khiếu nại Apple lên một loạt cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động. 

Apple hiện có khoảng 160.000 nhân viên trên toàn thế giới, không rõ khiếu nại của nhân viên phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống xảy ra ở khắp nơi, hay chỉ những tập đoàn lớn như Apple mới có tình trạng như vậy. 

Áp lực từ bên ngoài

Vừa đối mặt với lùm xùm nội bộ, "nhà táo" còn đang chịu áp lực từ cơ quan quản lý, các nhà lập pháp và đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới. Cách nay không lâu, Hàn Quốc thông qua luật kìm hãm cửa hàng ứng dụng của Apple, Google, cho phép nhà phát triển ứng dụng có thể dùng hệ thống thanh toán thay thế.

Bên cạnh đó, vụ kiện giữa Apple với Epic Games dường như vẫn chưa đến hồi kết. Tuy kết quả vụ kiện không gây ảnh hưởng đáng kể đối với Apple, công ty đứng sau game Fortnite vẫn chưa hài lòng và đang tìm cách kháng cáo phán quyết của tòa án. 

Apple cũng bị những nhà hoạt động xã hội chỉ trích sau khi công bố ý định đưa tính năng quét ảnh dâm ô trẻ em vào iPhone. Họ lo rằng tính năng này có thể bị "nhà táo" biến thành công cụ giám sát hàng loạt. Kết quả là Apple phải tuyên bố trì hoãn việc phát hành công nghệ mới. 

Bất chấp nhiều khó khăn bủa vây, Apple vẫn tiếp tục hái ra tiền khi iPhone 13 "cháy hàng". Các nhà phân tích kỳ vọng iPhone 13 sẽ bán được 82 triệu chiếc trong mùa lễ hội mua sắm, tương đương với kỷ lục bán iPhone 12 năm ngoái.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Vy

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới