Ngày 19/11/1997, Internet chính thức “cập cảng” Việt Nam. Thời đó, tốc độ kết nối Internet còn rất chậm chạp trong khi giá thành đắt đỏ khiến việc mỗi gia đình sở hữu một kết nối riêng là điều khá xa xỉ. Điều này tạo điều kiện cho các cửa hàng Internet công cộng phát triển mạnh. Dưới đây là một số hình ảnh, dịch vụ chắc chắn sẽ khiến nhiều người cảm thấy như có một bầy trời kỉ niệm ùa về.
Yahoo! Messenger
Đối với người dùng Internet thuộc thế hệ 8x hay 9x đời đầu ở Việt Nam, Yahoo! Messenger có lẽ đã trở thành một phần kỉ niệm không thể nào quên. Những tên nick vừa độc đáo vừa có phong cách đâu đó… “trẻ trâu”, bộ biểu tượng cảm xúc huyền thoại, những tiếng buzz gây giật mình, cảm giác chờ đợi một tin nhắn hay chờ đợi nick một ai đó sáng lên (online) chắc chắn sẽ khiến không ít người từng gắn bó với phần mềm trò chuyện trực tuyến (chat) này cảm thấy rưng rưng khi nhớ lại.
Trong trường hợp bạn chưa biết, phiên bản cũ của Yahoo! Messenger đã chính thức bị Yahoo! khai tử vào đầu tháng 8 năm 2016, thay vào đó là một ứng dụng mới hiện đại và nhiều màu sắc hơn.
Yahoo! 360
Sau Yahoo! Messenger, Yahoo! 360 cũng là một sản phẩm làm mưa làm gió trong cộng đồng người trẻ 8x, 9x. So với Facebook, Yahoo! 360 khuyến khích người dùng viết những bài đăng “entry” dài và có lẽ vì lý do này mà những bài viết hồi đó của giới trẻ trên mạng xã hội cũng “deep” và cảm xúc hơn những dòng trạng thái ngắn ngủi như hiện nay. Đến giờ nếu là người từng dùng Yahoo! 360 chắc có lẽ bạn vẫn nhớ cảm giác háo hức mở blog của mình ra xem đã có ai comment (bình luận) hay đạt được bao nhiêu lượt xem.
Giao diện đa dạng với nhiều kiểu theme để “trang trí” cùng việc gần như không có quảng cáo cũng là một điểm cộng khiến Yahoo! 360 trở nên hấp dẫn. Yahoo! 360 về sau bị khai tử và thay thế bằng Yahoo! 360 Plus dành cho một số ít thị trường yêu thích loại blog này, trong đó có Việt Nam. Mang giai diện hiện đại và nhiều tính năng hơn nhưng Yahoo! 360 Plus lại không thành công như người anh và nhanh chóng bị lu mờ trước cơn lốc Facebook.
Website nghe nhạc online
Ngay từ những ngày đầu sử dụng Internet, nghe nhạc đã là một mục đích phải làm của nhiều người. Lúc bấy giờ, những website nghe nhạc quen mặt với giới trẻ có thể kể đến như nghenhac.info, hoangclub.vn, nhacso.net… So với chất lượng nhạc số hiện nay, nhạc thời đó có chất lượng khá thấp bởi thực tế chất lượng Internet cũng chưa quá tốt cho hình thức nhạc chất lượng cao hơn. Tải từng bài về máy (đơn giản bằng cách click chuột phải, chọn Save Target as… trong IE) và đôi khi còn chép cả lời bài hát có lẽ điều rất nhiều người từng làm.
Trò chơi trực tuyến
Thời kì những quán Internet công cộng phát triển mạnh cũng là lúc giới trẻ “chìm đắm” trong những trò chơi trực tuyến. Audition, Boom, MU, Võ lâm truyền kì hay đôi khi là một số trò chơi có thể chơi qua mạng LAN như “Đế chế” cũng từng ngốn không ít thời gian của giới trẻ.
Diễn đàn trực tuyến
Trước khi các mạng xã hội phát triển mạng, “đất” trò chuyện trên Internet thuộc về các diễn đàn. Đến nay, các diễn đàn dần được thay thế bằng các Group trên Facebook do tiện dụng hơn. Tuy nhiên, cảm xúc trò chuyện trên các diễn đàn vẫn luôn rất khác biệt và thú vị, nếu bạn đã từng có cơ hội trải nghiệm nó. Đến nay chỉ có một số rất ít những diễn đàn vẫn duy trì được sức nóng của mình.