Hồi giữa năm 2019, Huawei giới thiệu hệ điều hành của riêng mình – Harmony OS – trong bối cảnh lệnh cấm vận từ Mỹ khiến nó không thể sử dụng các dịch vụ và phần mềm của Google. Tham vọng táo bạo này của Huawei được kỳ vọng có thể giúp mảng thiết bị bi động duy trì được sự tồn tại.
Hôm 22/2, Huawei xác nhận Harmony OS sẽ bắt đầu được cập nhật trên smartphone của mình từ tháng 4. Theo đó, người dùng Huawei có thể tải Harmony OS về dưới dạng một bản cập nhật. Một người phát ngôn của Huawei xác nhận người dùng bên ngoài Trung Quốc cũng có thể tải Harmony OS về máy. Bên cạnh đó, chiếc điện thoại màn hình dẻo Mate X2 mà Huawei ra mắt hôm 22/2 cũng là một trong những điện thoại đầu tiên của Huawei chạy Harmony OS.
Nhà phân tích Nicole Peng của Canalys nhận định Harmony OS là phần “cực kỳ quan trọng” để đảm bảo sự sống còn của mảng smartphone cuả Huawei.
Phát triển Harmony OS
Huawei giới thiệu Harmony OS như một hệ điều hành có thể hoạt động trên nhiều thiết bị, từ smartphone đến TV. Hồi tháng 9, Huawei tung ra Harmony OS phiên bản 2 và bắt đầu kêu gọi các nhà phát triển làm ứng dụng cho nền tảng này.
Với tham vọng hướng tới cả người dùng quốc tế, Huawei tái thiết kế kho ứng dụng của mình trong Harmony OS và đặt tên là AppGallery cùng với đó là nhiều cải thiện liên quan đến điều hướng.
“Tính năng tìm kiếm được tích hợp vào AppGallery có thể giúp người dùng rất nhiều trong việc khám phá ứng dụng”, ông Peng nhận định.
Bên cạnh đó, việc đẩy Harmony OS đến những người dùng hiện hữu của Huawei cũng giúp tăng tỷ lệ người dùng hệ điều hành này bên ngoài Trung Quốc. Theo Huawei, AppGallery hiện đang có trên 530 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Thách thức phía trước
Ứng dụng là phần quan trọng của một hệ điều hành. iOS và Android đang là hai hệ điều hành được dùng nhiều nhất bởi chúng có hàng triệu nhà phát triển liên tục phát hành ứng dụng.
Về phần mình, Huawei cũng có một bộ ứng dụng gồm bản đồ và trình duyệt. Nó nằm trong một gói dịch vụ mang tên Huawei Mobile Services (HMS). HMS về cơ bản tương tự với Google Mobile Services và cung cấp các công cụ phát triển để các nhà lập trình có thể tích hợp nhiều tính năng, ví dụ như địa điểm, vào ứng dụng của mình. HMS hiện có 2,3 triệu lập trình viên đăng ký trên toàn cầu.
Ở Trung Quốc, Huawei đã đưa được khá nhiều ứng dụng phổ biến lên Harmony OS. Dù vậy, trên thị trường quốc tế, Huawei gặp nhiều bất lợi. Ví dụ, kho ứng dụng của nó sẽ thiếu vắng nhiều ứng dụng quan trọng như bộ ứng dụng của Google. Facebook hiện khả dụng song không cho tải về trực tiếp từ AppGallery. Thay vào đó, người dùng cần vào đường dẫn do Facebook cung cấp để tải về.
“Nếu Huawei muốn bán thành công smartphone ở nước ngoài, họ cần có các ứng dụng phù hợp. Vì thế, có được truy cập đến Google Mobile Services là cực kỳ quan trọng”, ông Bryan Ma, phó chủ tịch phục trách nghiên cứu di động ở IDC, nói với CNBC.
Bên cạnh đó, Huawei cũng đang gặp nhiều hạn chế với việc tiếp cận các đơn vị sản xuất linh kiện điện thoại quan trọng vì Mỹ chặn các “con đường” mua chip của Huawei. Mate X2 sử dụng con chip Kirin 9000 của Huawei. Ông Richard Yu, CEO mảng tiêu dùng, nói rằng Huawei có đủ chip để sản xuất chiếc điện thoại màn hình dẻo ngay cả sau khi cảnh báo rằng lượng chip dự trữ của năm ngoái sắp hết.
Điều này, cùng với nhiều yếu tố bất định của Harmony OS, là thách thức lớn của Huawei trên trường quốc tế.
“Huawei có thể tiếp tục thống trị thị trường Trung Quốc mà không cần lo lắng về Harmony OS, song vấn đề lớn hơn là làm sao để nó có đủ linh kiện sản xuất”, ông Ma nhấn mạnh.