Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Những sáng kiến độc đáo giúp đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam

Duy Huỳnh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Tại Việt Nam, rất nhiều sáng kiến phòng chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tập thể tại khắp mọi miền đất nước đã được thực hiện, nhằm chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.

Kể từ khi đại dịch Covid-19, dịch bệnh nguy hiểm do chủng mới của virus corona - SARS-CoV-2 gây ra, bùng phát và cướp đi sinh mạng của hơn 74.000 người (tính đến trưa 7/4), các công ty công nghệ trên thế giới đã và đang nỗ lực chế tạo những thiết bị hữu ích nhằm giảm tải nguồn nhân lực và hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, rất nhiều sáng kiến phòng chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tập thể tại khắp mọi miền đất nước cũng đã được ghi nhận trong thời gian qua. Điều này thể hiện sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân Việt Nam ta. Tất cả cùng nhau góp sức đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm!

Máy phát gạo tự động trong mùa dịch Covid-19

Theo Dân Trí, một máy phát gạo tự động đã được đặt tại địa chỉ 204 đường Vườn Lài, quận Tân Phú để người dân đến nhận hỗ trợ 24/24. Người dân chỉ cần bấm nút gạo sẽ tự động chạy ra để người dân mang về sử dụng.

Máy phát gạo tự động sẽ được hoạt động từ ngày 6/4 đến khi dịch bệnh được khống chế và đời sống người dân ổn định trở lại. (Ảnh: Dân Trí)

Hệ thống máy phát gạo tự động bao gồm 1 thùng chứa gạo, một camera nhận diện khuôn mặt, đường ống và một nút bấm để gạo tự động chạy ra. Chi phí để lắp đặt một máy phát gạo tự động khoảng 10 triệu đồng.

Quanh khu vực phát gạo, đơn vị tổ chức đã kẻ vạch cách xa 2m để người dân xếp hàng lấy gạo. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh tại máy liên tục nhắc nhở người dân áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Người dân xếp hàng chờ lấy gạo miễn phí. (Ảnh: Dân Trí)

Theo anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc đơn vị phát gạo tự động chia sẻ, trong ngày đầu tiên, máy phát gạo tự động đã phát cho hơn 200 người với số lượng trên 300kg. Mỗi lần máy phát gạo sẽ phát khoảng 1.5kg. Anh Tuấn Anh đã chuẩn bị 2 tấn gạo để phát cho người dân.

Anh cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân chung tay cùng anh lắp đặt khoảng 100 máy phát gạo tự động khắp TP.HCM để cấp gạo cho người dân trong dịp dịch bệnh và sau này.

 Làm nón ngăn giọt bắn phòng Covid-19 gửi tuyến đầu chống dịch

Theo Thanh Niên, các đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Phước đã tự làm hơn 600 chiếc nón ngăn giọt bắn phòng Covid-19 và trao tặng các y bác sỹ cơ sở. 1.000 chiếc nón tiếp theo đang tiếp tục được làm để gửi tặng đến các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng các điểm cách ly, nơi những người đang ở tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch.

Các bạn trẻ đã hoàn thành hàng ngàn chiếc nón ngăn giọt bắn phòng Covid-19. (Ảnh: H.G)

Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 3 vừa qua, 15 đoàn viên, thanh niên trong xã đã làm được 600 chiếc nón ngăn giọt bắn phòng Covid-19. Trung bình cứ khoảng 10 phút là 1 bạn có thể hoàn thiện 1 sản phẩm.

Ưu điểm của những chiếc nón này là vừa dễ làm, dễ sử dụng, dễ vệ sinh mà lại rất “kinh tế” (mỗi chiếc nón hoàn thiện có giá khoảng hơn 5.000 đồng/chiếc). Công dụng ngăn giọt bắn của nón cũng không thua kém những chiếc nón đang được bày bán trên thị trường có giá từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng mỗi chiếc.

Chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly

Theo Dân Trí, các nhà nghiên cứu của trường Học viện kỹ thuật Quân sự đã bước đầu thành công trong việc chế tạo robot vận chuyển trong các khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao.

Robot có thể chịu tải trọng tối đa là 100 kg. (Ảnh: Dân Trí)

Robot này đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát).

Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.

Robot này được trang bị nhiều camera để kết nối bệnh nhân với bác sĩ ở phòng điều khiển trung tâm, cũng như cho phép đội ngũ y bác sĩ ở trung tâm điều khiển nhìn thấy đường đi của robot. (Ảnh: Dân Trí)

Chỉ trong vòng 2 tuần robot vận chuyển trong các khu vực cách ly mang tên Vibot phiên bản 1a, đã được chế tạo thành công và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động phòng Covid-19

Theo Thanh Niên, do nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng có diễn biến phức tạp, các giảng viên Khoa Điện - điện lạnh của Trường CĐ nghề Nghề Phú Yên đã cùng nhau nghiên cứu, sáng chế thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhất)

“Máy rửa tay sát khuẩn tự động này có cấu tạo nhỏ gọn, rất dễ sử dụng, chỉ cần đưa tay vào máy là cảm biến nhận dạng, tự động phun dung dịch rửa tay khô mà không cần người sử dụng phải thao tác ấn nút hay bấm vào vòi xịt như khi dùng các chai sát khuẩn thông thường. Mỗi máy này chứa được khoảng 1 lít dung dịch”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhất - Phó Hiệu trưởng Trường, cho biết.

Được biết, đến nay trường đã sản xuất được khoảng 100 cái, lắp đặt ở nhiều nơi trong trường cũng như tỉnh uỷ, công an tỉnh, một số khu hành chính công, một số nơi công cộng đông người qua lại như trước ngân hàng, cây xăng…

Buồng khử khuẩn di động làm sạch toàn thân

Theo Thanh Niên, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion. Hiện, viện đã lắp đặt và triển khai thử nghiệm tại cổng vào của viện.

Buồng khử khuẩn toàn thân được hy vọng phần nào sẽ giải quyết được nhu cầu sàng lọc, dự phòng lây nhiễm tại các khu vực có tiếp xúc đông người, từ đó góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. (Ảnh: Giang Ngọc)

Theo thông tin từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (SKNN&MT) thuộc Bộ Y tế, chỉ mất từ 15 - 20 giây để “làm sạch” toàn thân một người trước khi đi vào khu vực phòng khám.

Ngoài ra, hệ thống còn được thiết kế theo dạng module nên có thể dễ dàng tháo lắp và vận chuyển. Một hệ thống sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có thể đáp ứng công suất khử khuẩn lên tới 1.000 người/ngày.

Theo PGS.TS. Doãn Ngọc Hải (Viện trưởng Viện SKNN&MT), hệ thống được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng sương phun toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất