Việc hao pin nhanh chóng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng điện thoại để làm việc hay giải trí, đặc biệt là những khi chúng ta có công việc quan trọng cần sử dụng đến điện thoại.
Có rất nhiều trường hợp điện thoại bị sụt pin nghiêm trọng chỉ sau vài tiếng sử dụng, ngay cả khi đã sạc pin đầy dung lượng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến pin smartphone nhanh chóng cạn kiệt?
Theo Science ABC, sau đây là 4 nguyên nhân chính khiến điện thoại bị hao pin ngay cả khi không sử dụng.
Ứng dụng chạy nền
Chúng ta thường lầm tưởng điện thoại của mình chỉ hao pin khi sử dụng ứng dụng, mà bỏ qua lượng pin mà các "ứng dụng chạy nền" tiêu tốn.
Các ứng dụng chạy nền này hoạt động ngay cả khi điện thoại ở chế độ "ngủ", khi đã được tắt màn hình, để thực hiện một số chức năng như nhận tin nhắn và các cuộc gọi đến.
Ứng dụng chạy nền không chỉ bao gồm các ứng dụng mà chúng ta hay dùng như Facebook, Messenger, Gmail,... mà còn có Bluetooth, Wi-Fi và thậm chí cả định vị GPS.
GPS được bật đồng nghĩa với việc điện thoại liên tục kết nối với các vệ tinh GPS quay quanh Trái Đất, do đó tiêu tốn điện năng.
Trên iPhone, bạn có thể hạn chế các ứng dụng chạy nền bằng cách vô hiệu hoá 'Làm mới ứng dụng trong nền' bằng cách truy cập Cài đặt > Cài đặt chung > tắt Làm mới ứng dụng trong nền (chuyển từ xanh về trắng).
Khả năng tiếp nhận sóng kém
Có một thực tế là pin điện thoại sẽ hết nhanh hơn nếu điện thoại bắt sóng kém hoặc ở trong khu vực có sóng yếu.
Theo đó, khi tín hiệu yếu, điện thoại sẽ liên tục "tìm kiếm" sóng, hoạt động đó ngốn một lượng pin đáng kể. Do đó, khả năng bắt sóng kém cũng làm trầm trọng thêm vấn đề hao pin ở điện thoại.
Nếu muốn tiết kiệm thời lượng pin khi đang di chuyển, bạn phải tắt điện thoại hoặc bật chế độ trên máy bay.
Một trường hợp khác là do phôi SIM không tương thích. Theo đó, vào thời điểm cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2020, nhiều người dùng iPhone tại Việt Nam phát hiện, nguyên nhân gây ra lỗi quá nhiệt, hao pin đến từ phôi SIM của máy không tương thích với iOS 14.
Sau khi tiến hành đổi phôi SIM, nhiều người nhận thấy thiết bị không còn bị lỗi quá nhiệt và hao pin như khi sử dụng phôi SIM cũ. Do đó, không ít người dùng iPhone tại Việt Nam đã đổ xô nhau đi thay phôi SIM mới, sau khi cập nhật thiết bị lên iOS 14.
Thakral One - Đại lý bảo hành ủy quyền của Apple tại Việt Nam, cũng cho biết người dùng nên đổi phôi SIM mới để khắc phục lỗi này.
Xem thêm: Người dùng iPhone Việt Nam đổ xô đổi SIM sau bản cập nhật iOS 14
Ứng dụng gây hao pin
Một số ứng dụng có rất nhiều tính năng, điều đó cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng, làm hao pin điện thoại nhanh chóng.
Chưa kể, nếu tải phải những ứng dụng chứa phần mềm độc hại, gian lận quảng cáo, điện thoại của bạn sẽ càng hao pin nhiều hơn, gây nóng máy và tiêu hao nhiều dữ liệu di động (3G/4G/5G).
Để tránh các ứng dụng độc hại, tốt nhất người dùng chỉ tải xuống các ứng dụng từ các nhà phát triển đáng tin cậy. Bạn cũng có thể kiểm tra các đánh giá của những người dùng trước khi thực hiện cài đặt cho điện thoại của mình.
Xem thêm: 22 ứng dụng độc hại gây hao pin, nóng máy trên Android người dùng cần gỡ ngay khỏi điện thoại
Thành phần và chất lượng pin
Không phải tất cả điện thoại đều trang bị cùng loại pin giống nhau. Một số loại pin được làm từ các thành phần không đạt tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng lớn đến độ bền của pin.
Do đó, nếu bạn mua một cục pin hoàn toàn mới và pin hết nhanh ngay từ đầu, rất có thể đó là một loại pin rẻ tiền và kém chất lượng. Đây là lý do tại sao các công ty điện thoại thường khuyến cáo người dùng nên thay pin hoặc các phụ kiện chính hãng.
Ngoài ra, có một lưu ý rằng, pin điện thoại dù tốt cỡ nào cũng sẽ luôn bị tiêu hao theo thời gian, bất kể có được sử dụng hay không.
Xem thêm: Thực hư đoạn video quay lại cảnh máy bay ở Indonesia lao xuống biển đang được lan truyền trên MXH