Khi CEO Xiaomi Lei Jun lên sân khấu để công bố việc Xiaomi bước chân vào linh vực xe điện hồi tuần này, ông so sánh xe thông minh với “smartphone có 4 cửa”.
Gọi xe điện là “dự án kinh doanh lớn cuối cùng” của mình, ông Lei Jun thể hiện một tâm thế tự tin và mô tả xe điện là một “lựa chọn tự nhiên” để Xiaomi mở rộng hệ sinh thái vạn vật trí tuệ nhân tạo (AioT) của mình.
Từ lâu, ông Lei Jun luôn mô tả Xiaomi là một công ty Internet nhưng cũng sản xuất các thiết bị phần cứng.
“Tôi gọi Xiaomi là một vận động viên thể thao ba môn phối hợp, trong đó Xiaomi sản xuất phần cứng, bán sản phẩm thông qua TMĐT và cung cấp các dịch vụ trên Internet,” Lei Jun nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.
Mặc dù, thời điểm đó, các nhà đầu tư tỏ ra khá hoài nghi về những tuyên bố trên, những con số tài chính của Xiaomi đã khẳng định tất cả.
Năm 2020, Xiaomi đón nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với một năm trước đó khi bỏ túi 3 tỷ USD. Doanh thu từ dịch vụ Internet tăng gần 20% trong khi đó doanh thu từ mảng sản phẩm đời sống và IoT tăng 8,6%.
Việc Xiaomi bước chân vào mảng xe điện một lần nữa thể hiện hình ảnh của nó khi bắt đầu: Xiaomi được thành lập vào năm 2010 khi người dùng chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh.
Xiaomi tạo chiến lược khác biệt hoá bằng cách ra mắt những thiết bị giá thấp. Sản phẩm đầu tiên của hãng này có giá chỉ 1.999 nhân dân tệ và nhận được 300.000 đơn hàng trong 34 giờ mở bán đầu tiên.
“Nếu so sánh ngành xe và điện thoại di động, nó đang ở một thời điểm quan trọng tương tự nhu quà trình chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh”, ông Li Lianfeng, giám đốc nghiên cứu tại IDC, nhận định.
“Rào cản gia nhập ngành xe điện lúc này đang thấp hơn với những sự tiến bộ ở công nghệ pin và xây dựng hạ tầng. Sự chấp nhận của người dùng cũng không phải rào cản lớn”, ông Li nói thêm. Những cạnh tranh sắp đến ở mảng xe điện là để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng khác nhau”, ông nói thêm.
Vấn đề mấu chốt của tất cả các “tay chơi” là tạo ra được điểm độc đáo, ông Danny Chen, một chuyên gia tại Pengyuan International, nói.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường xe điện nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh thị trường xe điện lớn nhất thế giới muốn đạt đến điểm trung hoà carbon vào năm 2060. Hàng trăm công ty đã nhận thấy những lợi điểm này.
“Chúng tôi không nghĩa đã quá muộn để vào thị trường”, ông Paul Gong, nhà phân tích của UBS nói và nhận định thị trường xe điện Trung Quốc sẽ tăng 10 lần quy mô trong thập niên tiếp theo. Theo ông, mỗi công ty sẽ có mảng thị phần của riêng mình bằng cách tận dụng sức mạnh của riêng mình.
Mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn, các nhà phân tích cũng “cảnh báo”rằng sản xuất xe điện rất khác sản xuất điện thoại thông minh.
“Thị trường xe điện đòi hỏi đầu tư trong dài hạn và một loạt các kĩ năng khác”, ông Charlie Dai, nhà phân tích ở Forrester, nói.
Thời gian cũng là khó khăn mà Xiaomi phải đối mặt. Vì sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những tiêu chuẩn an toàn khắt khe, một chiếc xe thường cần tới 2 năm để có thể tiến ra thị trường. Rất nhiều điều có thể thay đổi từ thời điểm này đến khi xe điện đầu tiên của Xiaomi ra mắt.
Trong sự kiện tuần này, ông Lei nói rằng Xiaomi đang có trong tay 108 tỷ nhân dân tệ tiền mặt cùng với đó là 10.000 nhân sự ở mảng nghiên cứu và phát triển. Xiaomi cũng lên kế hoạch tuyển dụng thêm 5.000 nhân sự vào năm 2021.
“Chúng tôi có đủ khả năng duy trì nếu thất bại”, ông nói.