Nguy cơ TikTok có thể bị cấm ở Mỹ đang khiến người dùng TikTok ở quốc gia này cảm thấy hết sức lo lắng. Dù vậy, nó lại tạo cơ hội cho các công ty công nghệ chớp lấy thời cơ để có thêm người dùng cho các nền tảng của mình.
Trong tuần qua, các nền tảng mới như Byte – một sản phẩm của người đồng sáng lập Vine, và Dubsmash lần lượt vươn lên vị trí cao trên mảng xếp hạng các ứng dụng được tải về nhiều nhất. Những cái tên nổi tiếng hơn như Snapchat và YouTube cũng cho ra những tính năng mới với nhiều điểm tương đồng với hình thức video ngắn và dòng video cuộn lên của TikTok.
Theo Business Insider, Byte chứng kiến số lượt tải về tăng tới 126% trong ngày 8/7. Nó leo lên vị trí số 1 trên App Store Mỹ sau khi nhận được trung bình 1.000 lượt người tải về mới mỗi ngày, theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower. Dữ liệu được cung cấp cho Reuters cũng cho thấy số lượng lượt tải về tăng vọt dành cho Dubsmash, Triller và Likee.
Với số lượng người dùng ở Mỹ có thể lên tới 80 triệu người, các ông lớn công nghệ không còn coi TikTok như một startup mà là một đối thủ thực sự. Facebook và Google đều từng nỗ lực tạo ra các sản phẩm tương tự TikTok trong quá khứ. Mới đây nhất, YouTube đang thử nghiệm một tính năng video ngắn cho một nhóm người dùng nhỏ. Cùng thời điểm, Snapchat bỏ kiểu tương tác lướt sang ngang để xem nội dung mới sang cách lướt dọc, cuộn lên xuống như TikTok.
Cùng thời điểm, Instagram cũng thử nghiêm một tính năng video ngắn có tên Reels ở một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, nơi chính phủ vừa chính thức chặn TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác. Ấn Độ hiện tại là thị trường quốc tế lớn nhất của TikTok.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây nói rằng Mỹ đang cân nhắc cấm TikTok với nhiều quan ngại liên quan đến bảo mật. Chia sẻ với Fox News, Mike Pompeo nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “chắc chắn” đang nghiên cứu việc chặn ứng dụng chia sẻ video được nhiều người yêu thích nói trên.