Mới đây, fanpage của Hội cổ động viên bóng đá Hải Phòng đã “bóng gió” về chuyện sẽ đốt pháo sáng tại sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia ở lượt trận 2 vòng bảng khuôn khổ AFF Cup 2018. “Dự kiến có khoảng 1.000 CĐV Hải Phòng sẽ tiếp lửa cho đội tuyển Việt Nam ngày 16-11 tại VFF Stadium,” fanpage này viết. Dưới phần bình luận, nhiều người hô hào chuyện đốt pháo sáng và thậm chí còn đăng cả hình ảnh đang chuẩn bị “chất liệu” cho sự kiện này.
Trước đó, trong trận đấu giữa đội tuyển Lào và Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Lào cũng đã phải lên tiếng kêu gọi CĐV Việt Nam đến sân không đốt pháo sáng. Vậy loại pháo này có gì nguy hiểm mà lại bị cấm mang vào sân vận động?
Mặc dù pháo sáng tạo ra những hình ảnh cực kì cuồng nhiệt và dường như phù hợp với không khí các trận đấu bóng đá, mục đích ra đời của nó lại hoàn toàn… không liên quan. Pháo sáng được dùng cho các tình huống cứu hộ trên biển. Chúng được “thiết kế” để không thể dập được hoặc tắt một cách dễ dàng, nhanh chóng trong khi lại toả ra nhiệt lượng có thể lên tới 1.600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép). Thường được dùng trong các điều kiện thoáng đãng, không gian rộng, vì thế khi được dùng trong các không gian đông đúc và chật hẹp như sân vận động thì pháo sáng càng trở nên nguy hiểm. Đó là chưa kể đến viếc pháo sáng chứa nhiều hoá chất và tỏa ra nhiều khói. Vì thế, đối với những người có bệnh về đường hô hấp thì loại pháo này cũng cực kì gây nguy hại cho sức khoẻ.
Trong trận đấu tới giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia, công tác an ninh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháo sáng, sẽ được siết chặt. Còn nhớ tại ASIAD 2018, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bị Liên đoàn Bóng đá Châu Á phạt 12.500 USD cho CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam gặp Olympic Hàn Quốc.