Một công ty Nhật Bản mới đây đã tạo ra khối rubik nhỏ nhất trên thế giới có thể chơi được mang tên gọi Rubik’s Cube. Với kích thước 0,99 cm x 0,99 cm x 0,99 cm cùng với đó là trọng lượng 2 g, cục rubik này được làm từ chất liệu nhôm cùng mức độ chính xác cực kì cao. Nhà sản xuất cùng bán ra cục rubik này kèm theo một bệ đỡ siêu nhỏ, theo CBS.
“Chúng tôi tìm cách để tạo ra một cục rubik vừa nhỏ vừa chính xác,” ông Kensuke Tsuchiya, một chuyên gia sản xuất vi mô tại Đại học Tokyo, chia sẻ trong đoạn video giới thiệu sản phẩm. “Tạo ra một thứ gì đó bất khả thi cho tới thời điểm hiện tại thật hào hứng và thú vị,” ông nói thêm.
Được biết, nhà sản xuất đồ chơi MegaHouse của Nhật Bản đã bắt đầu nhận đặt trước các khối rubik tí hon nói trên kể từ hôm nay với mức giá có thể khiến nhiều người giật mình. Theo đó, Rubik’s Cuke sẽ được đưa lên kệ với mức giá lên tới 1.900 USD. Trong trường hợp bạn chưa biết, người Nhật Bản nổi tiếng là những người thích chơi rubik. Kể từ khi phiên bản nguyên gốc của rubik được ra mắt tại quốc gia mặt trời mọc vào năm 1980, hơn 14 triệu cục rubik đã được bán ra, trong đó 4 triệu cục rubik được bán ra trong 8 tháng đầu tiên.
Truyền thông địa phương nói MegaHouse kì vọng có thể bán được 500 cục rubik siêu nhỏ và siêu đắt nói trên cho tới giáng sinh năm nay. Được biết, Rubik’s Cube được ra mắt để kỉ niệm năm thứ 40 cục rubik đầu tiên được ra mắt. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nhiều người phải ở nhà hơn, MegaHouse nói rằng doanh số bán ra của các dòng sản phẩm rubik của hãng này ghi nhận mức tăng trưởng 50% so với cùng kì năm ngoái. Được biết, MegaHouse phát triển cụ rubik tí hon cùng sự hợp tác với Iriso Seimitsu, một công ty sản xuất và xử lý kim loại nằm ở ngoại ô Tokyo.
Có thể bạn chưa biết, ban đầu, rubik được làm từ gỗ và dán nhãn miếng dán đầy màu sắc. Ban đầu, tên gọi của nó là Magic Cube (tạm dịch: Khối hộp nhiệm màu). Chúng được phát minh bởi một kĩ sư người Hungary có tên Erno Rubik với mục đích giúp các học viên của ông có hình tốt hơn về không gian ba chiều. Erno Rubik cũng mất tới một tháng để giải được “câu đố” do chính mình đặt ra.