Công Nghệ

Nhà máy smartphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc đứng trước nguy cơ đóng cửa

Vũ Tuấn Anh
Chia sẻ

Nhà máy của Samsung tại Huệ Châu, Trung Quốc từng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái của ông lớn công nghệ Hàn Quốc.

Lúc “hoàng kim,” tổ hợp của Samsung ở Huệ Châu là nhà máy lớn nhất của công ty này tại Trung Quốc khi sản xuất 20% sản lượng điện thoại bán ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2011. Giờ thì những cửa hàng nhỏ xung quanh tổ hợp khổng lồ này đột nhiên yên lặng và một thông báo được dán trên cổng đề ngày 28 tháng 2 thông báo cho người qua đường biết rằng việc tuyển dụng đã được dừng lại.

“Thực tế, kể từ tháng Hai, sau Tết Nguyên đán, nhiều dân cư quanh khu vực này đã dấy lên tin đồng rằng Samsung sẽ đóng cửa nhà máy trong một vài tháng tới,” Zhong Ming, một người dân điện phương khoảng 40 tuổi chia sẻ. Ông là người đã chứng kiến sự đi lên của nhà máy Samsung này suốt 30 năm qua.

Nhà máy của Samsung tại Huệ Châu, Trung Quốc.

Huizhou Samsung Electronics là nhà máy smartphone cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc sau khi công ty này đóng cửa một cơ sở ở Thiên Tân vào hồi tháng 12 và dừng hoạt động sản phẩm thiết bị mạng đầu năm 2018 ở một nhà máy tại Thâm Quyến. Các công nhân ở nhà máy Huệ Châu nói rằng họ đã chấp nhận thôi việc tự nguyện trong khi đó người dân, công nhân và các cửa hàng địa phương cũng mặc định cho rằng nhà máy sẽ đóng cửa, theo SCMP.

“Đèn đường ở đây từng được trang trí với những tấm biển quảng cáo hấp dẫn của Samsung nhưng giờ thì chúng đã biến mất,” Steve Huang, một kỹ sư từng làm việc ở nhà máy này suốt 17 năm nói. Huang đã từng cảm thấy lo lắng về triển vọng nghề nghiệp của mình khi chứng kiến số nhân sự tại nhà máy giảm xuống 4.000 người từ 9.000 người vào năm 2013 khi Samsung vẫn xếp số 1 tại Trung Quốc với 20% thị phần điện thoại thông minh.

Một thông báo ngày 28 tháng 2 cho thấy nhà maý này đã dừng tuyển dụng. Nhiều xe buýt nằm trong khuôn viên nhà máy im lìm và không di chuyển trong nhiều ngày, theo SCMP.

Năm ngoái, thị phần của hãng này giảm xuống còn 1% trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi hay OPPO.

Theo SCMP, nhà máy của Samsung ở Huệ Châu được thành lập vào ngày 24 tháng 8 năm 1992, bốn ngày trước khi mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc được thiết lập khi ông lớn công nghệ này kí một hợp đồng hợp tác với thành phố Huệ Châu. Một năm sau đó, nhà máy đi vào hoạt động với vốn điều lệ đăng kí 32 triệu USD và kể từ đó đã sản xuất nhiều thiết bị điện tử được yêu thích, từ đài stereo vào những năm 1990, máy MP3 vào những năm 2000 và điện thoại thông minh từ năm 2007. Năm 2011, khi doanh số smartphone của Samsung leo lên vị trí số 1 thế giới, hai nhà máy ở Huệ Châu và Thiên Tân của Samsung đã sản xuất và xuất khẩu 70,14 triệu máy và 55,64 triệu máy lần lượt.

“Tháng trước, tôi nghe nói một vài trăm nhân viên đã được nhận bồi thường từ 1.400 USD tới 14.400 USD tuỳ vào số năm kinh nghiệm và rời Samsung,” một người cho thuê nhà tại địa phương nói. “Giá thuê phòng ở đây đã giảm một nửa nhưng vẫn không có người thuê.”

Thay vì sản xuất ở Trung Quốc, Samsung mở nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới ở Ấn Độ hồi năm ngoái.

Samsung China từ chối đưa ra bình luận mặc dù báo cáo trên truyền thông Hàn Quốc và Trung Quốc tuần trước đều khẳng định công ty này đang cắt giảm giảm sản xuất, sa thải nhân sự tại nhà máy Huệ Châu trong bối cảnh doanh số điện thoại chậm lại và sự chuyển hướng sản xuất sang các địa điểm có chi phí thấp hơn tại Châu Á.

Trong quý đầu năm 2019, xuất khẩu điện thoại thông minh Samsung từ Huệ Châu giảm 20,1% so vói cùng kì năm trước, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc. Sự đi xuống của Samsung China cũng làm dấy lên quan ngại về tương lai kinh tế Trung Quốc và vai trò của quốc gia này trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là khi Mỹ cũng đang áp đặt những áp lực liên quan đến chiến tranh thương mại.

Chia sẻ

Bài viết

Vũ Tuấn Anh

Tin mới nhất