Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về việc đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai việc tăng gấp đôi băng thông cho người dùng mà không tăng phí.
Từ ngày 1/4, nhiều nhà mạng tại Việt Nam đã tăng gấp đôi băng thông mà không tăng giá để người dùng có những trải nghiệm tốt nhất khi cách ly toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong suốt những ngày qua, người dùng Internet tại Việt Nam vẫn có những trải nghiệm không mấy dễ chịu. Đặc biệt vào buổi tối, việc truy cập các trang web phổ biến như Facebook, YouTube hay Google đều bị chập chờn và tải chậm.
“Khi mình thử đo tốc độ mạng với hai công cụ SpeedTest và Fast, kết quả cho thấy tốc độ của nhà mạng đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, khi truy cập vào các dịch vụ, website nước ngoài thì tốc độ vẫn rất chậm”, Đức Hoàng - một người dùng Internet tại TP.HCM cho biết.
Tại sao Internet Việt Nam vẫn chậm dù đã được tăng gấp đôi băng thông?
“Tại sao Internet Việt Nam vẫn chậm dù đã được tăng gấp đôi băng thông?” có lẽ là câu hỏi được nhiều người thắc mắc nhất trong thời gian gần đây.
Theo một số chuyên gia, do nhu cầu sử dụng Internet tăng đột biến vì nhiều người ở nhà, dẫn đến tình trạng quá tải tạm thời. Theo ghi nhận của trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, lưu lượng Internet của người Việt đã tăng 40% thời gian qua, tập trung vào các nhu cầu họp hội nghị, học tập và giải trí trực tuyến.
Không chỉ riêng Việt Nam, lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới đã tăng đột biến kể từ khi các quốc gia áp dụng lệnh cách ly toàn xã hội. Điều này buộc các dịch vụ hàng đầu như YouTube, Netflix, Apple, Amazon,… phải giảm chất lượng video mặc định của mình để tránh cho băng thông bị quá tải.
Ngoài ra, một trong những ảnh hưởng chính dẫn đến việc Internet tại Việt Nam bị chậm là do ảnh hưởng của sự cố cáp quang AAG.
Cụ thể, tuyến cáp quang biển AAG được cho là đã xảy ra sự cố vào lúc 20h30 ngày 2/4. Vị trí xảy ra sự cố nằm trên phân đoạn S1 thuộc nhánh cáp Việt Nam kết nối đi Hong Kong. Điều này việc truy cập các trang quốc tế có thể bị chậm hoặc chập chờn, đặc biệt là vào thời điểm buổi tối.
Do đó, người dùng Internet tại Việt Nam phải đợi đến khi tuyến cáp quang AAG này được khắc phục sự cố thì lúc đó tốc độ truy cập mạng mới trở về bình thường được.