iPhone vẫn là chiếc điện thoại được nhiều người dùng Việt Nam ưu ái, nhưng mọi thứ không phải chỉ toàn là hoa hồng đối với Apple.
Smartphone tầm trung - giá thấp phủ bóng thị trường Việt Nam, Apple khốn đốn
Tại Việt Nam, những chiếc smartphone cao cấp luôn thu hút được nhiều sự chú ý, cả trong cuộc nói chuyện thường ngày của những người yêu công nghệ hay trên mặt báo. Thế nhưng, trên thị trường di động, smartphone tầm trung - giá thấp mới là những chiếc máy ăn khách nhất.
Cuối năm ngoái, FPT Shop, một trong những hệ thống bán lẻ các thiết bị di động lớn nhất Việt Nam, công bố danh sách những chiếc smartphone bán chạy nhất trong năm cho thấy có tới 9/10 thiết bị thuộc phân khúc giá từ tầm trung đổ xuống. Đại diện cao cấp duy nhất có mặt ở vị trí thứ 9 trong báo cáo này là chiếc iPhone 7 Plus bản 128 GB bộ nhớ trong. Apple có thêm một đại diện nữa là chiếc iPhone 6 phiên bản 32 GB bộ nhớ trong ở vị trí số 7, tuy nhiên ở thời điểm cuối năm 2017, mẫu máy này cũng thuộc phân khúc giá tầm trung.
Phần còn lại của top 10 smartphone bán chạy nhất ở hệ thống này thuộc về Samsung (5 mẫu máy) và OPPO (3 mẫu máy). “Thu nhập của trung bình của người lao động Việt Nam tăng trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên nó cũng không đủ giúp những chiếc smartphone cao cấp có được chỗ đứng về thị phần,” anh H. Hùng, đại diện một cửa hàng bán lẻ smartphone tại Hà Nội chia sẻ.
Thực tế, chi tiêu dành cho điện thoại cao cấp của người dùng công nghệ Việt Nam đang có xu hướng tăng. Trong năm 2017, 3 trong số top 5 những chiếc smartphone mang lại doanh thu cao nhất cho FPT Shop đến từ những chiếc máy của Apple.
Một báo cáo gần đây của của The Wall Street Journal cho thấy thị phần smartphone của Apple đang giảm tại Việt Nam, nhường chỗ cho những mẫu smartphone đến từ Trung Quốc. Năm 2016, Apple chiếm được khoảng 2% thị phần, trong khi đó con số này của năm 2017 giảm xuống còn trên dưới 1%. Dù vậy, con số này nhiều khả năng vẫn có sai lệch so với thực tế bởi dù không nêu rõ nhiều khả năng WSJ chỉ tính đến thị phần máy chính hãng bán ra (tức là những mẫu máy được phân phối bởi các đơn vị phân phối ủy quyền, chưa kể đến máy xách tay…).
“iPhone vẫn hấp dẫn nhưng không còn là lựa chọn duy nhất. Các nhà sản xuất khác cũng đang bắt kịp và thậm chí lấn lướt Apple ở nhiều vấn đề, giá thành sản phẩm là một trong số đó,” anh Hùng nói thêm.
Không chỉ tại Việt Nam, Apple gặp khó ở nhiều thị trường Châu Á
Theo số liệu WSJ công bố, thị phần smartphone Apple đang nắm giữ trong vài năm trở lại đây có xu hướng đi ngang và thậm chí giảm tại nhiều thị trường ở Châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Cùng thời điểm, các thương hiệu smartphone Trung Quốc lại đang phất lên như diều gặp gió.
Tại Trung Quốc, một trong những thị trường đông dân, nhiều tiềm năng được Apple đặc biệt quan tâm, thị phần của “táo khuyết” hiện dừng lại ở con số 8%, giảm xuống từ con số 13% của năm 2015.
WSJ nhận định các hãng sản xuất như Xiaomi, OPPO hay Vivo đang chiếm lĩnh thị phần bằng cách không quá tập trung vào phân khúc cao cấp để cạnh tranh trực tiếp với Apple mà thay vào đó là những dòng máy tầm trung, giá rẻ hơn nhưng vẫn có các tính năng cao cấp. Đồng quan điểm, Kiranjeet Kaur, Giám đốc Nghiên cứu phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IDC nêu ý kiến cho rằng người dùng giới đây không còn sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua những chiếc flagship nữa bởi smartphone Trung Quốc cũng có các tính năng có thể cạnh tranh với điện thoại cao cấp.
iPhone X hay những chiếc smartphone của Apple nói chung có giá thành quá cao cho người dùng phổ thông trong khi đó ở các nước Châu Á, các chương trình, chính sách trợ giá của nhà mạng cho khách hàng cũng chưa tốt như ở Mỹ hay Nhật Bản. Phần đa người dùng sẽ mua đứt máy và điều này khiến smartphone cao cấp không khác gì một gánh nặng về tài chính.
Abhay Shahi, một nhân viên thiết kế đồ họa 28 tuổi tại Ấn Độ, mới đây đã đổi chiếc iPhone 6 lấy một chiếc máy Xiaomi Redmi Note 4 với giá khoảng trên dưới 200 USD. Thẳng thắn gọi iPhone là một chiếc điện thoại “bán quá đắt”, chiếc điện thoại mới của anh “có cảm biến vân tay, camera khá tốt và cũng không lag giật.” Ở Ấn Độ hay Indonesia, giá trung bình smartphone chỉ khoảng 200 USD, so với con số 1.000 USD giá bán của iPhone X, sự chênh lệch thực sự rõ rệt.
Các hãng sản xuất smartphone cũng triển khai nhiều chiến dịch marketing mạnh mẽ ở các thị trường Châu Á. Trong khi đó với Apple, lấy Việt Nam là một ví dụ riêng, hãng này không có bất kì hoạt động quảng bá trực tiếp nào. Thay vào đó là các chương trình do các đơn vị bán lẻ tự đưa ra.
Có thể với chiến lược của Apple, hãng này không quá đặt nặng vấn đề doanh số, Thay vào đó, Apple quan tâm đến biên lợi nhuận thu về trên mỗi đầu máy bán ra. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đánh mất thị phần vào tay đối thủ cũng thực sự đáng báo động.