Chiếc Boeing 747 phiên bản đặc biệt với màu sơn xanh trắng mang tên Air Force One là chuyên cơ được chú ý nhất trong các chuyến công du của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là máy bay duy nhất trong phi đội phục vụ người đứng đầu Nhà Trắng trong các hoạt động ở nước ngoài.
Bên cạnh Air Force One, còn những chuyên cơ có diện mạo kém bắt mắt hơn vẫn đang đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển tổng thống Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp.
Air Force Two C-32A (Boeing 757)
Về cơ bản, chuyên cơ này là phiên bản quân sự của máy bay Boeing 757-200 đã được cải biên lại bởi Không Quân Mỹ. Loại máy bay này bắt đầu được phục vụ Nội Các Mỹ kể từ năm 1998 tới nay. Không quân Mỹ tổng cộng có 8 chiếc Boeing C-32, tất cả đều sử dụng chung tên gọi là “Air Force Two”. Chuyên cơ này cũng được sơn màu trắng xanh giống như Air Force One.
Air Force Two có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 110 tấn. Để nâng chiếc máy bay này, các kỹ sư trang bị cho chúng 2 động cơ Pratt & Whitney PW2040. Troing khi đó, mỗi động cơ có công suất 185 kN. Nhờ hai động cơ cực khỏe này, chiếc Air Force Tow có thể bay với tận tốc 968km và có thể bay liên tục 11.100 km.
Chuyên cơ có phi hành đoàn 16 người, số hành khách tối đa có thể mang theo là 45 người. Tuy nhiên, chỉ có các nhân vật cấp cao khác của chính trường Mỹ được sử dụng loại máy bay này, bao gồm Đệ nhất phu nhân, Ngoại trưởng Mỹ hoặc Phó Tổng Thống.
Air Force Tow luôn bay cùng Air Force One trong các chuyến công cán của Mỹ. Chúng được coi là loại máy bay dự phòng trong trường hợp chiếc Air Force One gặp trục trặc. Ngoài ra, trong trường hợp Tổng thống Mỹ muốn di chuyển tới các vùng hẻo lánh, không có đường băng đủ dài để chiếc Air Force One hạ cánh, chiếc Air Force Two sẽ được huy động.
E-4B Nightwatch (Boeing 747-200 quân sự hoá)
Bên cạnh Air Force One và Air Force Two, nổi bật trong phi đội bảo vệ Tổng thống Mỹ trên không là “máy bay ngày tận thế” E-4B Nightwatch. Những chiếc E-4B Nightwatch được sử dụng như những trung tâm tác chiến trên không, nơi tổng thống và các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng có thể chỉ huy quân đội trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân.
Trong các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ thường có sự hiện diện của một chiếc E-4B, phi công điều khiển máy bay này được lệnh giữ khoảng cách phù hợp với đội hình bay của Air Force One. Hiện tại, 1 trong 4 chiếc E-4B đang được bố trí tại căn cứ không quân Offutt tại Omaha, bang Nebraska. Động cơ của chiếc E-4B này luôn được kiểm tra 24/7 để sẵn sàng cất cánh trong mọi trường hợp khẩn cấp.
Phản lực C-20C
Trong biên chế của Không đoàn Vận tải số 89 của Mỹ còn có máy bay phản lực C-20C, đóng vai trò dự phòng cho Air Force One. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật, phản lực C-20C không bao giờ hạ cánh cùng chuyên cơ Air Force One. Đồng thời, không quân Mỹ và Không đoàn Vận tải số 89 cũng không liệt kê danh sách những chiếc C-20C trong biên chế của mình.
C-20C là phiên bản nâng cấp với hệ thống liên lạc có cấp độ bảo mật cao hơn biến thể quân sự C-20 thuộc dòng máy bay phản lực Gulfstream III. Bên cạnh đó, nó có thể hoạt động trên đường băng có độ dài chỉ 1,5 km, trong khi Boeing 747 cần đường băng tối thiểu 2-2,3 km. Ngoài ra, kích thước nhỏ cũng giúp C-20C dễ ẩn mình giữa những chiếc máy bay dân dụng khác trên sân bay.
Những chiếc C-20C có nhiệm vụ đảm bảo tổng thống Mỹ được sơ tán an toàn trong trường hợp khẩn cấp khi Air Force One bị vô hiệu hóa hoặc bị tấn công. C-20C có kích thước nhỏ và tầm bay ngắn hơn Nightwatch E-4B nên không đóng vai trò sở chỉ huy trên không, thay vào đó chuyên cơ này đưa tổng thống Mỹ tới các sở chỉ huy khác trên khắp nước Mỹ.