Hơn hai mươi năm trước, một nhân viên văn phòng bình thường tại công ty đồ chơi Bandai có tên Aki Maita đã nảy ra ý tưởng thú vị khi xem một đoạn quảng cáo trên truyền hình. Trong quảng cáo này, một cậu bé đã than phiền rằng cậu rất muốn mang chú rùa cưng đi học nhưng lại bị bắt để chú ta ở nhà. Một tia sáng lóe lên trong đầu Aki Maita, tại sao không tạo ra những con thú cưng mà trẻ em có thể luôn mang theo bên mình? Loại thú cưng vẫn cần sự quan tâm, chăm sóc nhưng lại không hề gây rối. Lúc đó, Aki Maita không hề nghĩ rằng cô đang thai nghén một sản phẩm mà về sau trở thành một trong những món đồ là niềm mơ ước của nhiều đứa trẻ.
Maita không phải một nhà phát triển hoặc một nhà thiết kế sản phẩm, thế nhưng lúc đó cô chắc chắc rằng để món đồ chơi này thành công, cô cần nhắm đến thị trường những cô bé trong độ tuổi thanh thiếu niên. Để làm điều này, món đồ phải có phong cách kawaii (một ý tưởng văn hóa của người Nhật với ý nghĩa cơ bản chỉ sự dễ thương).
Maita sau đó đã tìm đến Akihiro Yokoi, một nhà thiết kế đồ chơi cùng ý tưởng của mình và hai người đã cùng tạo ra câu chuyện đầu tiên của chiếc máy Tamagotchi (còn được giới trẻ Việt Nam một thời gọi là máy nuôi thú ảo). Theo Newstalk, câu chuyện về chiếc máy Tamogochi được lấy cảm hứng từ một bộ truyện tranh của Nhật Bản với nội dung kể về giáo sư Banzo, sau lần thất bại trong chuyện tình cảm lần thứ 100, đang đi dạo bên sông Sumida thì nghe thấy thứ gì đó rơi xuống nước. Giáo sự này sau đó tìm thấy một vật thể bay không xác định đang chìm cùng rất nhiều sinh vật ngoài hành tinh. Trở về phòng thí nghiệm, giáo sư Banzo cùng cộng sự của mình Mika-Chu đã tạo ra những vỏ bọc hình quả trứng để chúng có thể tồn tại trên Trái đất.
Sau khi mẫu dựng món đồ chơi được hoàn thành, Maita đã đưa đồ chơi thú ảo cho 200 nữ sinh gặp đường trên đường Shibuya và “mắt họ như sáng lên”, cô chia sẻ với TIME vào năm 1998. Maita đã quan sát và ghi lại từng phản ứng của nhóm nữ sinh này với món đồ chơi để sau đó sử dụng kĩ năng của một nhân phân xử lý nhập liệu dữ liệu để hoàn thiện sản phẩm của mình, từ màu sắc, thiết kế cho tới chiều dài của sợi dây gắn kèm. Không khó hiểu khi Tamagotchi trở thành một hiện tượng khi chính thức ra mắt tại Nhật Bản vào ngày 23 tháng 11 năm 1996.
Chưa đầy một năm sau đó, Tamagotchi đã có mặt tại 30 quốc gia cùng với 400 sản phẩm khác nhau cũng sử dụng tên gọi này, bao gồm áo phông, mũ, gấu bông và văn phòng phẩm. Thế nhưng, thật bất ngờ khi cô không nhận được sự đề bạt nào ở Bandai và thậm chí còn không được tăng lương, mặc cho khoản doanh thu 900 triệu USD mà Tamagotchi mang lại. Năm 1997, Aki Maita được tôn vinh tại giải thưởng Nobel Prize, một giải thưởng “nhại” lại giải Nobel với không khí vui vẻ, hài hước để khuyến khích con người sáng tạo, nghiên cứu.
Vào tháng 10 vừa qua, tại một số thị trường, Tamagotchi phiên bản đời đầu đã chính thức trở lại. Mặc dù trong suốt 2 thập niên vừa qua, Bandai đã nhiều lần bán ra những chiếc Tamagotchi tiên tiến hơn, bao gồm cả những chiếc có khả năng gửi tin nhắn, những chiếc máy Tamagotchi theo phong cách cổ điển, nguyên bản này lại thu hút được nhiều sự quan tâm hơn cả.
Bạn đã từng sở hữu chiếc máy nuôi thú ảo nào chưa?