Nhà Trắng mới đây đã hàm ý một khung thời gian cho hành động của Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump “chắc chắn đang cân nhắc việc cấm TikTok”. Trong một diễn biến mới nhất, ông Mark Meadows, tham mưu trưởng Nhà Trắng cho biết động thái nói trên có thể được thực hiện trong vài tuần tới.
“Nhiều cán bộ điều hành đang nghiên cứu các rủi ro bảo mật quốc gia liên quan đến TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng khác, đặc biệt là việc chúng thu thập thông tin của công dân Mỹ”, ông Meadows nói với các phóng viên. “Tôi không thể tự đưa ra thời hạn cho hành động này song chúng tôi đang hướng đến mốc tính bằng tuần chứ không phải bằng tháng,” ông nói thêm.
Về phần mình, TikTok nhiều lần phủ nhận việc bị xem là một rủi ro an ninh. Nó cũng thực hiện rất nhiều biện pháp để tách mình ra khỏi Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok. Mới đây, TikTok cũng bổ nhiệm một CEO mới là ông Kevin Meyer, cựu nhân sự cấp cao của Disney.
“TikTok được điều hành bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân sự và lãnh đạo cấp cao liên quan đến các vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công ở Mỹ,” TikTok nói trong thông báo phản hồi lại ông Mike Pompeo. “Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn đảm bảo trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng. Chúng tôi chưa từng cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi cũng không làm vậy khi được yêu cầu,” TikTok khẳng định.
Trước đó, Ấn Độ đã chính thức cấm TikTok và 58 ứng dụng khác đến từ Trung Quốc cũng với lí do quan ngại về bảo mật. Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok bên ngoài Trung Quốc. Sau động thái này, Mỹ trở thành một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của ứng dụng đến từ ByteDance.