Facebook là một trong những mạng xã hội được yêu thích và được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, tính đến tháng 4/2018, nước ta có hơn 58 triệu người dùng Facebook, đứng top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông đảo nhất trên thế giới, theo thống kê của Hootsuite và We Are Social.
Từ trước đến nay, Facebook liên tục nhấn mạnh sự “miễn phí” trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, thực tế là để có được điều đó người dùng đã phải đánh đổi bằng chính dữ liệu của họ.
Mới đây, một kết quả nghiên cứu từ Đại học Texas lại càng chứng minh rằng Facebook không hề miễn phí như chúng ta vẫn nghĩ.
Cụ thể, nghiên cứu này được thực hiện bởi trường Đại học A&M ở Texas, trong đó đối tượng được chọn là những sinh viên của trường.
Để thực hiện, các nhà nghiên cứu đã chọn ra những sinh viên tình nguyện “cai” mạng xã hội trong một thời gian, trong khi đó những sinh viên khác sẽ vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội bình thường.
Các nhà nghiên cứu đã cấm những sinh viên tình nguyện “cai” mạng xã hội đăng nhập vào Facebook hoặc sử dụng bất kỳ ứng dụng liên quan nào của mạng xã hội này, chẳng hạn như Facebook Messenger, và luôn kiểm tra thời gian Last Active (lần đăng nhập) của họ trên Facebook.
Những tình nguyện viên cũng được yêu cầu đưa ra một cái giá cho 1 tuần sử dụng Facebook, và mức trung bình được đưa ra là 67 USD/tuần. Theo các nhà nghiên cứu, số tiền này là khoảng 30% thu nhập trung bình hàng tuần của một sinh viên, tương ứng tỷ lệ phần trăm số tiền một sinh viên có thể chi tiêu cho tiền thuê nhà hoặc thế chấp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những sinh viên dừng sử dụng Facebook khoảng 1 tuần đã tiết kiệm hơn kha khá, nâng giá trị sử dụng Facebook/tuần của họ tăng gần 20%.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người dừng sử dụng Facebook ít tiếp xúc với nội dung tin tức hơn, nhưng vẫn nhận thức được những gì các phương tiện truyền thông chính thống đã nói đến.
Trong khi nghiên cứu cho thấy sử dụng Facebook không gây ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng của cuộc sống nói chung, tuy nhiên các sinh viên không sử dụng Facebook trong một tuần cho biết họ ít có cảm giác chán nản hơn, giảm khoảng 17%.
Đáng chú ý, những sinh viên nam tham gia thử gia thử nghiệm cho rằng, việc sử dụng Facebook gây ra cảm giác chán nản, theo nghiên cứu. Lý do được đưa ra là, khi không có Facebook, các sinh viên này tham gia vào các hoạt động lành mạnh hơn, từ đó khiến họ có tâm trạng tốt hơn.
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ngưng sử dụng Facebook khiến cảm giác chán nản được cải thiện đáng kể, và giúp người dùng tăng cường tham gia vào các hoạt động lành mạnh hơn.
Báo cáo từ các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù họ không thể xác định chính xác cơ chế, nhưng kết quả nghiên cứu kể trên cho thấy Facebook có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, vượt xa mọi lợi ích hiện có của phương tiện truyền thông xã hội.
Được biết, nghiên cứu của trường Đại học A&M Texas đã được công bố trên tạp chí Kinh tế học của Hiệp hội Khoa học Kinh tế (Economic Science Association’s journal of Experimental Economics).