Trung Quốc là một trong những quốc gia có nguồn không khí ô nhiễm bậc nhất thế giới. Ở những đô thị lớn, không khí ô nhiễm đến mức bạn có thể thấy được một lớp sương mù dày đặc, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng ngàn người Trung Quốc mỗi năm. Theo nhận định của nhiều nghiên cứu, các ca tử vong do ô tô nhiễm khí thải đều bắt nguồn từ tác nhân hàng đầu là than đá.
Để cải thiện chất lượng bầu không khí, chính phủ Trung Quốc đã chi ít nhất 360 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch và tạo ra 13 triệu việc làm trong ngành năng lượng tái tạo mới, tính từ nay cho đến năm 2020.
Dự án năng lượng sạch mới nhất của Trung Quốc có hai trang trại điện mặt trời khổng lồ ở tỉnh An Huy (Anhui), dự kiến sẽ đưa vào vận hành tháng 5/2018.
Lo ngại tỷ lệ các ca tử vong do liên quan đến ô nhiễm không khí tăng cao, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư vào hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo.
Theo một nghiên cứu gần đây, ô nhiễm khí than ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho 366.000 người tử vong trước tuổi chỉ tính riêng năm 2013.
Cuối năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã khởi công siêu dự án trang trại điện mặt trời trên một mỏ than cũ đã bị trũng nước.
Cuối tháng 5/2017, các công nhân đã lắp đặt 166.000 miếng pin năng lượng mặt trời, tạo ra 40 MW điện đủ để cung cấp năng lượng cho 15.000 hộ gia đình.
Đây là dự án điện mặt trời trên vùng trũng lớn nhất thế giới. Thời gian hoạt động dự kiến của những tấm pin này có thể kéo dài đến 25 năm.
Nhà thầu Sungrow Power Supply đã xây dựng dự án trang trại điện mặt trời trên mặt hồ nước từng là địa điểm khai thác than rộng lớn.
Sau khi người ta dùng chất nổ để khai quặng, nơi đây đã trở thành vùng trũng và bắt đầu ngập nước.
Theo The Guardian, việc xây dựng trang trại điện mặt trời trên mặt hồ và con đập sẽ giúp tiết kiệm diện tích đất trồng và góp phần bảo vệ động vật hoang dã sống trên mặt đất.
Việc xây dựng trang trại trên mặt hồ cũng giúp hạ nhiệt những tấm pin năng lượng, giảm rủi ro và kéo dài tuổi thọ sử dụng.
Để các tấm pin năng lượng nổi trên mặt nước, người ta phải dùng những tấm phao đặc biệt.
Vào tháng 12 cùng năm, công ty điện lực Trung Quốc - China Three Gorges Corporation đã cho xây dựng một siêu dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước khác có phần còn lớn hơn dự án ban đầu.
Dự án này cũng được đặt tại An Huy, Trung Quốc. Với số tiền đầu tư 151 triệu USD, trang trại điện mặt trời này dự kiến sẽ tạo ra 150 MW điện, đủ cung cấp lượng điện tiêu thụ của 94.000 hộ dân.
Dự án này đi vào hoạt động từ tháng 5/2018.
Đây không chỉ đánh dấu cột mốc 4 năm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “chống lại ô nhiễm không khí”, đây còn là minh chứng để người dân tin tưởng rằng đất nước của mình đang bắt đầu đổi mới.
Theo số liệu đo đạc từ 200 trạm quan trắc đặt khắp các đô thị lớn, số lượng hạt mịn trong không khí (hay còn gọi là PM 2.5) đã giảm xuống đáng kể 32% tính từ năm 2013. (PM 2.5 là những phân tử siêu mịn được tìm thấy trong không khí bị ô nhiễm. Hạt này có thể gây ra những tác động gây chết người, như các bệnh về phổi, bệnh tim hay thậm chí là bệnh ung thư.)
Thành phố cấp địa khu Hình Đài, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã giảm thành công 52,2% lượng hạt mịn trong không khí.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu Trung Quốc duy trì tốt mức giảm này, tuổi thọ trung bình của người dân nước họ có thể kéo dài hơn 2,4 năm.
Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia có nhiều dự án đầu tư nhất trên thế giới vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.
Hai trang trại năng lượng mặt trời của Trung Quốc đánh dấu bước đầu thời kỳ giảm thiểu việc sử dụng nhiêu liệu hóa thạch ở Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới.
Vào năm 2015, Thụy Điển đã tiến hành thay thế việc sử dụng các nguồn nhiên hóa thạch bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như nhiệt năng, phong năng kết hợp cùng xây dựng mạng lưới điện thông minh và các phương tiện giao thông không gây ô nhiễm. Cũng trong năm này, quốc gia Trung Mỹ - Nicaragua đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ 53% lên đến 90% vào năm 2020.
Trung Quốc là một trong những nước lớn trên thế giới đang có động thái quyết liệt trong việc loại bỏ hoàn toàn than đá ra khỏi hoạt động công nghiệp. Năm vừa rồi, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm khai thác đối với 104 mỏ than thuộc 13 tỉnh thành.
Mặc dù Mỹ đã giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch hơn so với 10 năm trước. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác đang bị đình trệ tại nước này.
Trung tuần tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh áp dụng mức thuế 30% đối việc nhập khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời. Điều này có thể gây suy giảm khoảng 15% lượng pin nhập khẩu trong khoảng 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump. Một phần trong chiến dịch “nước Mỹ trước tiên” này của Tổng thống Trump có thể gây thiệt hại đến ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ.
Ngày nay, nhiệt điện than vẫn chiếm hơn 40% sản lượng điện của thế giới. Trong vòng 10 năm tới, các chuyên gia năng lượng dự đoán rằng ngành công nghiệp than sẽ bắt đầu trở nên suy thoái.
Đồng thời, các nguồn năng lượng sạch sẽ có mức giá hợp lý hơn và tạo ra đủ năng lượng cần thiết để thay thế cho các nguồn năng lượng hiện tại.