Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Máy thở và tầm quan trọng sống còn với bệnh nhân nhiễm Covid-19

Máy thở là thiết bị y tế giúp những bệnh nhân nhiễm Covid-19 chuyển biến nặng giành lấy sự sống từ tay tử thần. Tuy nhiên, thiết bị này đang rơi vào tình trạng khan hiếm tại nhiều quốc gia và khu vực.

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nền y tế toàn cầu chao đảo, và một loại thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống cho nhiều người lại đang rơi vào tình trạng khan hiếm, trong đó có máy thở.

Bác sỹ Albert Rizzo, Giám đốc Y tế tại Hiệp hội Phổi Mỹ, cho biết hầu hết các bệnh viện tại Mỹ đều có đủ máy thở để phục vụ bệnh nhân trước đại dịch. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, lượng máy thở có thể sẽ sớm cạn kiệt vì số lượng các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần sự trợ giúp từ máy thở đã tăng vọt, kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này.

Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang dùng máy thở để giành lấy sự sống từ tay thần chết. (Ảnh: Reuters/Stephane Mahe)

“Dịch bệnh Covid-19 cướp đi sinh mạng con người thông qua vấn đề về hô hấp. Các bệnh nhân không chết vì tim ngừng đập, họ không chết vì sốc. Họ chết vì không thể đưa oxy vào máu, và điều đó khiến các cơ quan khác ngừng hoạt động theo”, bác sĩ Rizzo cho biết.

Theo tiến sỹ Benjamin Singer, trợ lý giáo sư y khoa lĩnh vực phổi và hồi sức cấp cứu tại Đại học Y dược Feinberg (thuộc Đại học Northwestern): “Với tỉ lệ người bệnh ngày một đông, và một phần trong số họ có thể sẽ xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng đòi hỏi phải dùng máy thở. Điều này dẫn đến lo ngại máy thở sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm.”

Máy thở là gì và hoạt động như thế nào?

Máy thở là thiết bị dùng để hỗ trợ hai chức năng quan trọng: đưa đủ oxy vào máu và giúp giảm nồng độ carbon dioxide trong cơ thể bệnh nhân. (Ảnh: Asahi Kasei)

Máy thở là những cỗ máy đặt cạnh giường trong bệnh viện, dùng để hỗ trợ hai chức năng quan trọng: đưa đủ oxy vào máu và giúp giảm nồng độ carbon dioxide trong cơ thể.

Máy thở chỉ được sử dụng khi phổi của người bệnh đã bị viêm quá nặng, hoặc bị chấn thương nghiêm trọng, không thể tự thực hiện chức năng hô hấp, và ngay cả đeo mặt nạ oxy trên mũi và miệng cũng không thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

“Thông qua nhiều thiết lập khác nhau, chúng tôi có thể đồng bộ máy thở với nhịp thở của bệnh nhân và hỗ trợ họ bằng cách bổ sung áp suất, dung tích khí, luồng khí”, tiến Singer cho biết.

Các máy thở đều dựa vào nguyên lý tạo ra chênh lệch áp lực nhằm đưa khí vào trong và ra ngoài phổi của bệnh nhân để thực hiện quá trình thông khí. Để tạo ra chênh lệch áp lực áp lực này, các máy thở có thể sử dụng áp lực dương, áp lực âm hoặc phối hợp cả hai.

“Về cơ bản, máy thở thổi không khí vào phổi bạn, hỗ trợ hoạt động thở tự nhiên”, bác sĩ Nicholas Hill tới từ Đại học Y Tufts nói.

Ai là người được dùng máy thở?

Chỉ những bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện mới được sử dụng máy thở. (Ảnh: Financial Times)

Được biết, không phải bệnh nhân nào có các triệu chứng về hô hấp nào cũng được dùng máy thở. Chỉ những bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện mới được sử dụng thiết bị này, và quyết định cho họ sử dụng máy thở thường là giải pháp cuối cùng nhằm cứu lấy tính mạng họ.

“Các bệnh nhân không phải lúc nào cũng hồi phục, hoặc có những người chỉ bị viêm phổi, nên không được ưu tiên dùng máy thở”, bác sĩ Rizzo nói.

Khoảng thời gian mà một bệnh nhân sử dụng máy thở có thể từ vài ngày đến vài tuần. Tại Trung tâm Y tế Tulane ở New Orleans, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường được gắn máy thở trong từ 1 - 2 tuần.

“Rất ít người có chuyển biến tích cực nhanh chóng trong 3 ngày đầu tiên”, bác sỹ Joshua Denson chuyên về phổi và hồi sức cho biết.

Một khi bệnh nhân không còn cần đến máy thở nữa, ống nối sẽ được tháo ra, và máy thở sẽ được chuyển sang cho bệnh nhân tiếp theo sau khi được vệ sinh khử trùng kỹ càng.

Tình trạng khan hiếm máy thở và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều quốc gia và khu vực đứng bên bờ vực thiếu thốn vật tư y tế trầm trọng, trong đó có máy thở. (Ảnh: pixpoetry - Unsplash)

Với số bệnh nhân ngày một tăng mạnh, dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều quốc gia và khu vực đứng bên bờ vực thiếu thốn vật tư y tế trầm trọng.

Tại Italy, một trong những ổ dịch lớn nhất ở châu Âu, các bác sỹ đã buộc phải đưa ra những quyết định đau lòng khi chọn ra những bệnh nhân được và không được sử dụng máy thở.

Trong khi đó tại Mỹ, ước tính số lượng máy thở là khoảng 160.000 (theo số liệu thống kê từ Trung tâm An toàn Y tế Johns Hopkins), con số mà các chuyên gia cảnh báo là sẽ không đủ nếu biện pháp cách ly, và các nỗ lực khác nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh không được thực hiện hiệu quả.

Thị trưởng bang New York - Andrew Cuomo cũng liên tục đưa cảnh báo rằng bang này đang đứng bên bờ vực thiếu thốn vật tư y tế trầm trọng. Ông hiện đang kêu gọi sự trợ giúp từ liên bang để có thêm máy thở cho bang New York, nơi đã có hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19, nhiều hơn bất kỳ bang nào khác tại Mỹ.

Để có thể giải quyết được bài toán khan hiếm máy thở, các công ty sản xuất ôtô như GM, Ford, và Tesla đã bắt đầu tham gia sản xuất thiết bị này. Trong khi đó, các viên chức y tế tại New York đang dự định dùng một máy thở cho hai bệnh nhân cùng lúc - một điều họ chưa từng thử trước đó.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Duy Huỳnh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV