iOS 13 đã chính thức ra mắt, với rất nhiều tính năng mới mẻ, như Dark Mode (giao diện nền tối), và tối ưu hiệu năng thiết bị. Thế nhưng, không giống như năm ngoái khi iOS 12 đều được cập nhật cho mọi thiết bị chạy iOS 11, thì năm nay, iOS 13 đã bỏ lại iPhone 6/6 Plus và 5s.
Trong những năm qua, thực tế thì Apple luôn thực hiện điều này mỗi khi ra mắt iPhone mới, và chắc chắn ai đã và đang sử dụng một chiếc iPhone đời cũ cũng biết việc này. Không ít người tự hỏi rằng tại sao Apple làm điều này? Mục đích “Táo khuyết” bỏ rơi các thiết bị cũ là gì? Có phải là do Apple muốn ép buộc người dùng smartphone thế hệ cũ đổi điện thoại mới hay không? Theo iDropnews, đây chính là 4 lý do tại sao Apple lại chọn làm điều này dù họ có muốn hay không.
Phần cứng bị hạn chế
Có lẽ không ít người trong chúng ta đã gặp phải tình trạng, một ứng dụng nào đó mình thích không sử dụng được vì không còn tương thích với bản cập nhật mới. Lúc này, người dùng có 2 lựa chọn: Hoặc là về phiên bản iOS cũ hơn hoặc đợi nhà phát triển phát hành bản cập nhật cho tương thích với iOS đang sử dụng. Apple cũng gặp phải vấn đề tương tự với hệ điều hành iOS.
Như chúng ta đã biết, Apple liên tục tung ra các bản cập nhật iOS tích hợp nhiều tính năng mới, và chúng đều yêu cầu phần cứng mạnh hơn. Đều này sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi iPhone hay iPad dần đạt tới mức giới hạn và không thể đáp ứng đủ tất cả các tính năng mà iOS mới hỗ trợ. Thông thường, các thiết bị đời cũ sẽ không đáp ứng đủ bộ nhớ, vi xử lý không đủ mạnh như bản cập nhật yêu cầu.
Về phía Apple, hãng cũng chẳng có lý do gì để tạo ra các phiên bản iOS thay thế, vì điều này đồng nghĩa “Táo khuyết” phải loại bỏ đi các tính năng quan trọng có trên bản cập mới. Do đó, Apple sẽ dừng hỗ trợ cho các thiết bị không đáp ứng đủ yêu cầu phần cứng, và điều này sẽ được thực hiện mỗi năm vì iOS sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Nền tảng lỗi thời
Đối với những bản cập nhật lớn, thì các thiết bị đời cũ sẽ càng dễ bị “loại khỏi cuộc chơi” hơn. Lấy ví dụ như iPad Air được nâng cấp từ nền tảng 32 bit lên 64 bit. Nâng cấp này giúp iPad trở nên mượt mà hơn rất nhiều khi thực hiện các tác vụ phức tạp, cũng như tính tương thích với các ứng dụng trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các phiên bản iOS mới yêu cầu phần cứng của thiết bị mạnh hơn để xử lý tác vụ, và điều này khiến những thiết bị ra mắt trước đó càng lâu càng dễ bị loại bỏ hơn.
Dung lượng pin không đủ đáp ứng hiệu suất thiết bị
Ngoài việc đòi hỏi phần cứng, bản cập nhật mới cũng có xu hướng tiêu thụ lượng pin nhiều hơn. Đối với những chiếc iPhone mới, đây không phải là vấn đề. Nhưng với những chiếc iPhone đời cũ, bản cập nhật mới ngốn khá nhiều pin. Biện pháp thay pin mới lúc này cũng không phải là giải pháp lý tưởng, vì bản cập nhật mới luôn đòi hỏi tài nguyên hệ thống nhiều hơn là lượng pin thiết bị đang có. Kết quả dẫn đến là pin hết nhanh hơn hoặc iPhone đột ngột sập nguồn. Thay vì để vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ hơn sau mỗi bản cập nhật, Apple đã quyết định ngừng hỗ trợ iOS mới cho các thiết bị cũ.
Kiếm được nhiều tiền hơn
“Sự Lỗi Thời Có Tính Toán” (Planned Obsolescence) là thuật ngữ khá quen thuộc trong giới công nghệ. Theo đó, nhiều người rằng Apple và các công ty điện tử (smartphone, laptop,…) đã tạo ra những sản phẩm được thiết kế, hoặc tích hợp thêm những yếu tố nhằm điều khiển thời lượng sử dụng, độ bền, thời gian hoạt động của một sản phẩm. Mục đích của việc thực hiện chiến lược này là nhà sản xuất có thể bán thêm sản phẩm, từ đó kiếm bộn tiền.
Tất nhiên, giả thuyết này không hoàn toàn đúng vì Apple không “cố tình” loại bỏ những chiếc iPhone cũ của họ. Tuy nhiên, Apple cũng chẳng dại gì mà hỗ trợ những thiết bị cũ, trong khi người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền mua các mẫu iPhone mới từ hãng.