Như thông báo của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) trước đó, công nghệ VAR sẽ được sử dụng ở khuôn khổ Asian Cup 2019 bắt đầu từ vòng tứ kết. Chính vì vậy, cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ là trận đầu tiên được sử dụng công nghệ này. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của các kì Asian Cup, VAR được sử dụng nhằm giúp trọng tài đưa ra những quyết định chính xác nhất.
Trong số 6 đội đã có mặt tại vòng tứ kết, chỉ có Iran, Nhật Bản từng trải nghiệm VAR khi tham dự World Cup 2018 tại Nga. Do đó, đại diện ban trọng tài Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC phải tiến hành phổ biến về điểm mới này cho các tuyển thủ Việt Nam trước khi trận đấu diễn ra vài ngày.
Trong buổi phổ biến kiến thức và hướng dẫn về công nghệ VAR này, đội tuyển Việt Nam được đại diện ban trọng tài Liên đoàn bóng đá châu Á khuyên nên cẩn trọng hai điều.
Đầu tiên, khi trọng tài chính đang có trao đổi với các trợ lý trọng tài video, các cầu thủ tuyệt đối không được quyền khiếu nại hay gây áp lực với trọng tài để yêu cầu xem lại tình huống gây tranh cãi. Với những hành động quá lố, trọng tài hoàn toàn có quyền rút thẻ phạt.
Thứ hai, đội tuyển Việt Nam có thể sẽ đối mặt với việc bị thổi phạt “muộn” (nếu mắc lỗi), cho dù tình huống mắc lỗi này diễn ra trước đó nhiều phút. Điều này phụ thuộc vào thông tin đội ngũ trợ lý trọng tài video chuyển đến trọng tài chính sớm hay muộn.
Được biết, AFC đã ra quy định rõ ràng về những trường hợp sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ VAR, bao gồm các tình huống liên quan tới bàn thắng hay không bàn thắng, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và lỗi nhận diện sai của trọng tài.
Trọng tài chính điều hành trận đấu sẽ được kết nối thông tin với trọng tài video thông qua tai nghe, sau đó sẽ sử dụng ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật để yêu cầu xem lại tình huống. VAR chỉ có ý nghĩa giúp trọng tài nhìn nhận, đánh giá lại tình huống, và trọng tài vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.