Tháng 8/ 2019, Huawei tuyên bố sẽ phát triển một hệ điều hành mới mang tên gọi HarmonyOS. Lúc đó, nhiều người tin rằng hệ điều hành này sẽ sớm thay thế Android trên điện thoại Huawei. Dù vậy, điều đó đã không xảy ra.
Ông Richard Yu, CEO mảng sản phẩm tiêu dùng của Huawei, cho biết HarmonyOS được phát triển dựa trên microkernel cho phép nó có thể hoạt động được trên nhiều loại thiết bị như loa thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, máy tính, xe hơi và smartphone. Huawei cũng nói thêm rằng HarmonyOS có thể hoạt động trên cả các thiết bị có dung lượng RAM rất nhỏ. Cho tới nay, HarmonyOS mới xuất hiện trên sản phẩm TV.
Mới đây, theo truyền thông Trung Quốc, ông Richard Yu khẳng định sẽ ra mắt điện thoại thông minh chạy HarmonyOS vào năm 2021. Thông tin nói trên được đưa ra trong bối cảnh Huawei đã sẵn sàng giới thiệu HarmonyOS phiên bản thứ 2 vào ngày 10/9 tới trong khuôn khổ sự kiện 2020 HDC Developers Conference. Nhiều khả năng Huawei sẽ giới thiệu thêm một số sản phẩm phần cứng khác chạy HarmonyOS khác tại đây, trong đó có đồng hồ thông minh.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế các công ty Mỹ được duy trì quan hệ kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc điện thoại Huawei sẽ không còn được cấp quyền sử dụng hệ điều hành của Google. Hồi đầu tháng 8, Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, nói rằng nó đã hết chip xử lý để sản xuất điện thoại vì lệnh cấm vận từ Mỹ, theo AP. Theo ông Richard Yu, CEO mảng tiêu dùng của Huawei, vào thời điểm tháng sau, Huawei sẽ không còn có hể sản xuất chip Kirin của chính mình do các áp lực về kinh tế mà Mỹ liên tục tung ra.
“Thật không may, trong vòng cấm vận thứ hai mà Mỹ đưa ra, nhà sản xuất chip xủa chúng tôi chỉ chấp nhận các đơn hàng cho tới ngày 15 tháng 5 và quá trình sản xuất sẽ chính thức đóng vào ngày 15 tháng 9,” Yu chia sẻ trong một hội thảo hôm 7/8. “Năm nay có thể là năm cuối cùng của thế hệ chip cao cấp Huawei Kirin.” Chiếc Mate 40 mà Huawei dự tính tung ra vào tháng 9 tới có thể sẽ là điện thoại cuối cùng có dòng chip này.
Hồi tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra quy định xuất khẩu sửa đổi trong đó cấm giao hàng bán dẫn tới Huawei để “nhắm tới khả năng mua các linh kiện bán dẫn là sản xuất trực tiếp của công nghệ và phần mềm Mỹ.” Quy định này cấm cả các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn nước ngoài đang sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ trong hoạt động sản xuất, vận hành trừ khi họ xin được giấy phép từ Mỹ. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, được cho là đã dừng nhận đơn hàng dòng chip HiSilicon của Huawei từ tháng 5 năm nay.