Apple đã cho ra mắt công nghệ Face ID lần đầu tiên vào tháng 11/2017 như một tính năng hoàn toàn mới trên dòng iPhone X. Tính năng này sử dụng công nghệ cảm biến hồng ngoại trong camera để vẽ ra bản đồ khuôn mặt, từ đó sử dụng nó như một mã khóa tương tự như vân tay Touch ID.
Dù được xem là một cải tiến đáng kể thay cho mã PIN hay mật khẩu thông thường, Face ID vẫn gặp các tình huống "dở khóc dở cười" khi nhận diện sai khuôn mặt. Do chỉ chú trọng các đặc điểm bên ngoài, Face ID vẫn sẽ mở khóa nếu như người dùng có những đặc điểm giống với chủ thiết bị như là người trong gia đình hay các cặp song sinh.
Ngoài ra, đã có một số trường hợp các hacker qua mặt cả Face ID lẫn Touch ID để sử dụng dữ liệu của bạn. Đối với Apple, một công ty đề cao tính riêng tư và bảo mật, thì việc này không thể chấp nhận được.
Theo như các thông tin từ PatentApple thì cải tiến lần này sẽ cung cấp cho Face ID khả năng chụp cả các tĩnh mạch bên dưới lớp biểu bì để tạo bản đồ 3D cho việc xác thực. Việc này sẽ giúp cho thiết bị kiểm tra xem người dùng có thực sự là chủ thiết bị hay không trước khi mở khóa.
Tính năng này sẽ củng cố lớp bảo mật hơn khi không chỉ so sánh các đặc điểm ngoại hình mà còn xét cả lớp tĩnh mạch bên dưới. Tuy nhiên, tính năng này không phải là mới hoàn toàn.
Apple không phải là hãng đầu tiên sử dụng công nghệ này. Vào năm 2019, LG đã cho ra mắt dòng LG G8 với tính năng quét tĩnh mạch tay để mở khóa nhưng tính năng này không được đánh giá cao vì độ chính xác thấp.
Dù vậy, Apple vẫn chưa xác nhận về việc tích hợp công nghệ này cho các dòng thiết bị trong tương lai. Trong trường hợp công nghệ này thực sự được sử dụng thì Apple sẽ phải hoàn thiện nó rất nhiều để tránh trường hợp như LG.
Một thiết bị có khả năng sở hữu công nghệ này cao nhất chính là dòng iPad Pro. Với kích cỡ lớn, Apple có thể thêm thắt các cảm biến để xử lý việc quét tĩnh mạch tốt hơn và điều này cũng sẽ thu hút các doanh nhân muốn bảo mật tối đa thông tin của mình.