Bloomberg đưa tin, một số tài khoản YouTube đã livestream (phát trực tiếp) kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ giả mạo, đến hàng chục nghìn người xem nhiều giờ trước khi bị YouTube gỡ xuống vì cho là spam.
Cụ thể, bắt đầu từ sáng thứ Ba (3/11), nhiều kênh YouTube đã đăng tải các video trực tiếp bầu cử.
Xem thêm: Facebook, Twitter 'mạnh tay' trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
Trong đó cho thấy bản đồ đỏ và xanh tương ứng với hai ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ 2020, gồm: đại diện đảng Cộng hòa - ông Donald Trump (đỏ) và đại diện đảng Dân chủ - ông Joe Biden (xanh), cùng thông tin về số phiếu bầu giả mạo.
Các buổi livestream kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ này xuất hiện ở đầu trang YouTube khi người dùng tìm kiếm cụm từ "kết quả bầu cử", và đã có đến hàng nghìn người xem trực tuyến trước khi bị gỡ bỏ. Một số buổi livestream giả mạo này còn chạy cả quảng cáo.
“Sau khi xem xét cẩn thận, chúng tôi sẽ xóa các video phát trực tiếp vi phạm 'Nguyên tắc cộng đồng' của chúng tôi”, một phát ngôn viên của YouTube cho biết trong một email. “Chúng tôi đã đặt ra các chính sách nghiêm cấm thư rác, hành vi lừa đảo, gian lận và chúng tôi tiếp tục cảnh giác với nội dung liên quan đến bầu cử trong giai đoạn bầu cử và sau bầu cử.”
YouTube cho biết, những video livestream kết quả bầu cử giả mạo này đến từ các tài khoản YouTube dành cho âm nhạc và mẹo giao dịch chứng khoán. Những kênh này có thể đã khai thác tùy chọn mà thuật toán của YouTube dành cho các video dài, để phát trực tiếp kết quả bầu cử giả mạo.
Theo Insider, tại một thời điểm trong ngày bầu cử hôm qua, bốn kết quả hàng đầu trên YouTube khi người dùng tìm kiếm “kết quả bầu cử Tổng thống”, có bao gồm những video giả mạo này.
Tuy nhiên, ngay cả khi YouTube cho biết họ đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn, nhiều phiên bản khác của những video này vẫn xuất hiện trong trang đầu tiên khi tìm kiếm về kết quả bầu cử trên YouTube.
Xem thêm: Chưa có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã lập nên kì tích trên MXH