Hãng kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young cho biết trong một báo cáo gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur hôm thứ Tư, các khoản nợ hiện tại của AirAsia đã vượt quá tài sản hiện có của hãng tới 1,84 tỷ ringgit (430 triệu USD) tính đến cuối năm 2019. Cùng năm đó, AirAsia bị lỗ ròng 283 triệu ringgit.
Hiệu suất tài chính và dòng tiền hiện có của AirAsia đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế du lịch liên quan đến đại dịch Covid-19.
Sự ngưng trệ của du lịch bằng đường hàng không và hiệu suất tài chính giảm sút “chỉ ra sự tồn tại của những bất ổn và làm dấy lên mối nghi ngại đối với khả năng tiếp tục hoạt động của Tập đoàn”, Ernst & Young cho biết trong tuyên bố.
Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không trên toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi chính phủ nhiều nước đẩy mạnh biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan, trong khi những lo ngại về vấn đề sức khoẻ cũng khiến người dùng hạn chế sử dụng dịch vụ.
"Đây là thách thức lớn chưa từng có mà chúng tôi phải đối mặt kể từ khi bắt đầu kinh doanh vào năm 2001", CEO AirAisa Tony Fernandes cho biết.
Theo CEO AirAisa đương nhiệm, hãng hàng không này đang đàm phán về một vụ hợp tác, hoặc liên doanh, để có thể có được khoản đầu tư bổ sung. Hãng bay cũng đã nộp hồ sơ vay vốn ngân hàng cũng như khả năng huy động thêm vốn.
SK Group, một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc, từng cho biết họ đã xem xét lời đề nghị mua một phần nhỏ cổ phần của hãng này vào tháng trước.
Theo một nguồn tin thân cận chia sẻ với Bloomberg, AirAsia đã gửi thông báo tới các ngân hàng Malaysia để tìm cách vay 1 tỷ ringgit vào tháng 5.
Trong báo cáo gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur của Ernst & Young có đề cập đến việc, AirAsia cho biết họ không thể nộp hồ sơ xin tham gia vào chương trình Practice Note 17 của chính phủ Malaysia dành riêng cho những công ty gặp khó khăn về tài chính.
Được biết, nguyên nhân đến từ việc Sở giao dịch chứng khoán nước này đã tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ cho chương trình này từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2021.
Cổ phiếu AirAsia đã bị ngưng giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur vào Thứ 4. Tuy nhiên, nó sẽ được khôi phục lại vào 2h30 cùng ngày (giờ địa phương).
K. Ajith - một chuyên gia phân tích hàng không tại UOB Kay Hian Pte ở Singapore nhận định, AirAisa cần ít nhất 2 tỷ ringgit trong năm nay để có thể tiếp tục hoạt động.
Dẫu vậy, dấu hiệu đáng mừng là những lệnh phong tỏa du lịch đã dần được gỡ bỏ và hoạt động du lịch trong nước của một số quốc gia mà AirAsia đang có mặt đã được khôi phục.
Tương lai của AirAsia sẽ phải phụ thuộc vào những chính sách của chính phủ về du lịch, các cơ quan tài chính, nhà đầu tư cũng như
khả năng xử lý thoả đáng các vấn đề đang gặp phải.