Theo The Information, Chủ tịch của Grab - ông Ming Maa và CEO Go-Jek - ông Andre Soelistyo đã gặp nhau đầu tháng này cho một thỏa thuận sáp nhập sắp tới.
Dẫn lời từ một nguồn tin thân cận, The Information cho biết ban lãnh đạo Grab và Go-Jek thường xuyên gặp nhau trong hai năm qua, tuy nhiên họ chỉ thực sự tỏ ra nghiêm túc về việc đàm phán sáp nhập trong vài tháng gần đây.
Grab được cho là đã thông báo với những nhà đầu tư chính của mình rằng phía Go-Jek muốn thỏa thuận với tỷ lệ 50 - 50 nếu một vụ sáp nhập xảy ra, trong khi đó Grab muốn chiếm tỷ lệ cao hơn. Do đó, vẫn chưa rõ nếu thương vụ sáp nhập thành công, Grab hay Go-Jek sẽ là bên kiểm soát liên doanh.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo giấu tên đang làm việc với cả Grab và Gojek, nếu thỏa thuận sáp nhập này được thực hiện, Grab và Go-Jek sẽ dừng cạnh tranh về giá để giảm thiểu lỗ.
Người này cho biết, mặc dù không công bố nhưng 2 hãng xe công nghệ Uber và Ola cũng đang áp dụng một chiến lược tương tự ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, hai công ty này cũng giảm hoa hồng cho tài xế và tăng giá dịch vụ trong suốt 2 năm qua.
Dù vậy, một nhân sự của Go-Jek khẳng định thương vụ như thế không thể xảy ra và thậm chí “bất hợp pháp”. “Không một thảo luận nào như vậy từng diễn ra,” người này khẳng định.
Theo các chuyên gia, thương vụ sáp nhập giữa Grab và Go-Jek sẽ gặp một vài trở ngại nhất định mà lớn nhất chính là luật cạnh tranh và sự phản đối của các nhà chức trách, đặc biệt sau khi Grab thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2018.
Từ khi ra đời vào năm 2010, Go-Jek đã thu hút tổng cộng 3 tỷ USD đầu tư trong 12 vòng. Công ty đang thực hiện vòng gọi vốn Series F với mục tiêu huy động 2,5 tỉ USD. Trong khi đó, Grab “bỏ túi” tổng cộng 9 tỉ USD trong 29 vòng gọi vốn.