Apple và Google mới đây đã bất ngờ hợp tác và giới thiệu một hệ thống cho phép theo dõi sự lây lan của virus corona mới. Hệ thống này cụ thể cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu thông qua kết nối Bluetooth Low Energy (BLE) và các ứng dụng được phê duyệt từ các tổ chức y tế, theo The Verge.
Theo đó, hệ thống của Google và Apple sẽ sử dụng giao tiếp Bluetooth tầm ngắn để tạo ra một mạng lưới theo dõi tiếp xúc giữa người với người. Các ứng dụng chính thức từ các cơ quan y tế sẽ được tiếp cận dữ liệu này và người dùng tải chúng về có thể báo cáo nếu mình đã được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Hệ thống đồng thời sẽ thông báo cho người tải về ứng dụng bất kì thời điểm nào họ tiếp xúc gần với một người nhiễm bệnh.
Giao diện lập trình ứng dụng (API) cho iOS và Android của hệ thống nói trên sẽ được hai ông lớn làng công nghệ công bố vào trung tuần tháng 5 tới và Google và Apple sẽ hỗ trợ các ứng dụng của cơ quan y tế để đảm bảo có thể họ có thể áp dụng được API này. Trong giai đoạn này, người dùng sẽ vẫn phải tải về một ứng dụng để tham gia vào quá trình theo dõi tiếp xúc người nhiễm bệnh. Điều này có thể khiến quá trình tiếp nhận hệ thống vẫn còn hạn chế. Dù vậy, vài tháng sau khi API hoàn thiện, Apple và Google đang tính đến khả năng xây trực tiếp tính năng theo dõi mặc định trong các hệ điều hành của mình.
Khác với các giải pháp khác, ví dụ như sử dụng GPS, kế hoạch sử dụng Bluetooth của Google và Apple không theo dõi địa điểm vật lý thực tế của người dùng. Về cơ bản, nó sẽ chỉ tiếp nhận các dữ liệu từ những chiếc điện thoại ở gần nhau mỗi năm phút một lần và lưu chúng lại trong cơ sở dữ liệu. Nếu một người xét nghiệm dương tính với bệnh, họ có thể thông báo cho ứng dụng điều này và ứng dụng cũng sẽ thông báo cho những người đã tiếp xúc gần bệnh nhân trong một vài ngày trước đó.
Điểm nhấn khác của hệ thống này là việc gửi thông tin dưới dạng nặc danh thay vì định danh tính. Các thông tin của hệ thống sẽ được thay đổi mỗi 15 phút một lần để đảm bảo tính riêng tư cá nhân. Dù vậy, hệ thống này cũng có điểm yếu. Khi ở trong lhu vực đông người, nó có thể “gắn cờ” những người nhiễm bệnh trong một căn phòng nào đó ở gần đó và khiến người dùng lo lắng không quá cần thiết. Nó cũng không thể thông báo được thông tin thời gian tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Ví dụ làm việc cùng một người nhiễm bệnh nguy hiểm hơn rất nhiều so với chỉ đi qua họ trên đường phố. Song dẫu sao đi nữa sự hợp tác của Google và Apple vẫn làm dấy lên hi vọng về việc chúng ta sẽ sớm kiểm soát bệnh dịch nhờ số lượng người dùng lớn của iOS và Android.