Như chúng ta đã biết, vào cuối năm 2018, hàng nghìn nhân viên của Google trên toàn thế giới đã đồng xuống đường để ủng hộ chiến dịch biểu tình có tên “Google Walkout for Real Change”, nó cũng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội với hashtag #GoogleWalkout.
Được biết, Claire Stapleton và Meredith Whittaker chính là hai nhân viên đã khởi xướng nên chiến dịch này. Tuy nhiên trong một thông tin được đăng tải trên The New York Times (NYT) mới đây, cả hai đều tiết lộ họ đang phải “trả giá” cho hành động của mình.
Cụ thể, trong một bức thư được Claire Stapleton, người giữ chức Giám đốc tiếp thị của YouTube, chia sẻ với nội bộ các đồng nghiệp rằng Google đã cố cách chức cô sau sự việc trên. Còn Meredith Whittaker, chuyên viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng tiết lộ trong bức thư rằng, Google đã đưa ra thông báo cho biết vai trò của cô ở công ty sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, Stapleton cũng cảm thấy bất mãn với Google khi hướng dẫn cô tham gia một khóa nghỉ phép y tế dù không hề bị bệnh. Trong khi đó, Whittaker thậm chí còn được yêu cầu từ bỏ công việc ngoài giờ tại Đại học New York, nơi cô đảm nhận vai trò điều hành Viện nghiên cứu về ý nghĩa xã hội của trí tuệ nhân tạo - A.I. Now Institute.
Rất may mắn cho Stapleton là khi cô thuê luật sư để giải quyết thì Google đã rút lại quyết định trên.
“Chỉ sau khi tôi thuê một luật sư và liên lạc với Google, công ty mới thực hiện một cuộc điều tra và rút lại quyết định trên, ít nhất là trên giấy tờ”, Stapleton viết.
Trao đổi với NYT, đại diện của Google cho biết công ty nghiêm cấm hành vi trả thù tại nơi làm việc và đang điều tra tất cả các cáo buộc kể trên.
Hiện tại, hơn 300 nhân viên Google đã truyền tay nhau câu chuyện của Stapleton và Whittaker, đồng thời lên kế hoạch tiết lộ những trải nghiệm của bản thân về việc bị trả thù nơi công sở trong một cuộc họp của công ty vào ngày 26/4 tới.
Trước đó, chiến dịch “Google Walkout for Real Change” được tổ chức với mục đích yêu cầu Google phải thực hiện 5 điều: “Chấm dứt tình trạng quấy rối và phân biệt đối xử; Cam kết trả tiền bồi thường cho các cá nhân bị quấy rối hoặc đối xử bất bình đẳng; Đưa ra báo cáo minh bạch về các trường hợp quấy rối tình dục, đồng thời có một quy trình thông báo các hành vi quấy rối một cách an toàn và ẩn danh”.
Chiến dịch này bùng phát sau khi The New York Times đăng tải thông tin về việc cha đẻ của Android - Andy Rubin, dính cáo buộc về hành vi bạo lực tình dục từ nhân viên cũ trong công ty, người mà ông từng hẹn hò. Tuy nhiên, Google lại ém nhẹm mọi thông tin và sẵn sàng chi trả 90 triệu USD khi ông này rời công ty năm 2014.
Điều này khiến rất nhiều nhân viên tại Google bức xúc, họ yêu cầu câu trả lời của ban lãnh đạo Google. Sau đó, đích thân CEO Sundar Pichai phải gửi email đính chính với nhân viên tại đây rằng: “Trong khoảng 2 năm, 48 nhân viên của Google bao gồm 13 nhà quản lý cấp cao đã bị buộc phải nghỉ việc và không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào vì hành vi quấy rối tình dục”.