Công Nghệ

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa chia sẻ hành trình nghiên cứu về da điện tử

Hà Vy
Chia sẻ

Trong buổi giao lưu sáng 21/1, Giáo sư Zhenan Bao đã chia sẻ về hành trình nghiên cứu về da điện tử giúp bà giành giải đặc biệt VinFuture.

Sau lễ trao giải thưởng VinFuture tối 20/1 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), sáng 21/1, chủ nhân các giải thưởng VinFuture có buổi giao lưu mang tên Talk Future với khán giả Việt về những câu chuyện đằng sau từng công trình được giải.

Khán phòng Nhà hát trường Đại học VinUni đã lặng đi trước hình ảnh và câu chuyện của Nguyễn Như Linh, cô bé sinh năm 2010, ở Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bị cụt đến khuỷu tay, một chân bị khoèo, thiếu ngón. 

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa chia sẻ hành trình nghiên cứu về da điện tử Ảnh 1
Bé Nguyễn Như Linh giao lưu giáo sư Zhenan Bao.

Như Linh thông minh và nhanh nhẹn. Viết chữ, chép bài bằng chân, nhưng nét chữ của em rất tròn trịa, ngay ngắn, đẹp không kém bất cứ học sinh bình thường nào. 

Từ câu chuyện của Linh, chương trình đặt ra câu hỏi "Khoa học có thể làm gì để giúp người khuyết tập làm chủ cuộc đời". Để trả lời câu hỏi này, chương trình giới thiệu Giáo sư Zhenan Bao - Nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa giành giải đặc biệt cho phát kiến da điện tử.

Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa chia sẻ hành trình nghiên cứu về da điện tử Ảnh 2
Giáo sư Zhenan Bao giành giải đặc biệt VinFuture nhờ phát kiến da diện tử.

Giáo sư Zhenan Bao chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học của mình từ khi bắt đầu đến Mỹ học đại học, làm việc chăm chỉ để mưu sinh, học hành rất vất vả. Sau đó, bà may mắn được nhận vào đại học Chicago và nghiên cứu về vấn đề phân tử.

"Sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi phân vân xem nên đi làm hay tiếp tục đi học. Tôi được nhận vào làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu đến chất bán dẫn, hố đen vũ trụ...Công việc khích lệ tôi nghiên cứu phân tử có thể đi đến đâu, làm được gì?", Giáo sư Zhenan Bao cho biết.

Từ những nghiên cứu này sau đó đã được ứng dụng vào thực tế chính là điện thoại với màn hình gập như ngày nay. Sau 8 năm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, bà đến đại học Stanford để giảng dạy, và giúp mọi người. Trong nhiều trao đổi với đồng nghiệp bà nhận ra có một tỷ lệ cao người dân cần phải lấy lại cảm xúc của làn da cho những người khuyết tật.

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa chia sẻ hành trình nghiên cứu về da điện tử Ảnh 3
Giáo sư Bao chia sẻ hành trình nghiên cứu da điện tử.

Giáo sư Zhenan Bao cho biết: "Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra một điện thoại có màn hình gập thì sao không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật. Chúng tôi nghiên cứu phân tử để tạo ra một làn da nhân tạo, cũng giống như chúng ta tạo ra cảm biến của cơ thể để nắm bắt cảm giác của việc chạm vào đồ vật. Đó là điểm khởi đầu và đến nay chúng tôi đã tạo ra những thế hệ mới của da nhân tạo có thể kéo dãn mở rộng".

Bà lấy ra mô hình bàn tay từ chiếc hộp trên sân khấu, tỏ ra phấn khích khi có thể giúp cho bàn tay nhân tạo có xúc giác từ các tín hiệu kết nối với não. Giáo sư Zhenan Bao tự hào khi nguyên vật liệu tạo nên mô hình này chỉ từ những thứ đơn giản có ngay trong phòng thí nghiệm.

Giáo sư Zhenan Bao sinh năm 1970 tại Nam Kinh, Trung Quốc, là con gái của hai giáo sư Đại học Nam Kinh. Cha bà dạy vật lý còn mẹ dạy hóa. Cả hai cùng đưa bà đến với thế giới khoa học.

GS Zhenan Bao nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Hóa học tại Đại học Chicago (Mỹ) năm 1995. Sau đó, bà làm việc tại phòng Nghiên cứu Vật liệu thuộc Phòng thí nghiệm Bell, Lucent Technologies, nơi bà được công nhận là một thành viên ưu tú của đội ngũ kỹ thuật vào năm 2001.

Bà gia nhập Đại học Stanford năm 2004 và hiện đang giữ danh hiệu giáo sư Kỹ thuật Hóa học K.K. Lee. Đồng thời, bà cũng có những đóng góp cho khoa Hóa học và khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu.

Từ năm 2018, Giáo sư Bao là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc Đại học Stanford (eWEAR). Bà cũng đồng thời là giảng viên của Viện Precourt, Viện Woods, ChEM-H, Bio-X và là một nghiên cứu viên của Nhóm Chan-Zuckerberg BioHub.

Đến nay, GS Bao đã có hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Vy

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất