Khi tham gia giao thông, tất cả chúng ta đều biết đèn giao thông cho tín hiệu xanh tức là được đi còn tín hiệu đỏ tức là cấm đi. Tuy nhiên, đối với đèn vàng, nhiều người còn chưa hiểu rõ cách xử lý và thậm chí hiểu lầm về mục đích của tín hiệu đèn này.
Theo đó, Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định: “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Điều 10 Quy chuẩn số 41/2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thậm chí còn làm rõ thêm quy định này ở điểm nếu không có vạch dừng xe, người điều khiển phương tiện phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trước đây, người điều khiển xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu vi phạm tín hiệu đèn vàng, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8/2016, Nghị định mới số 46/2016 thay thế quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người đi xe máy và phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người đi xe ô to trong trường hợp “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao động”.
Điều này đồng nghĩa với việc theo nghị định số 46/2016, không còn các mức phạt phân tách rõ rệt cho không chấp hành tín hiệu đèn vàng và tín hiệu đèn đỏ mà chỉ có mức phạt chung cho việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông.
Thời điểm Nghị định mới có hiệu lực cũng gây ra không ít tranh cãi bởi nhiều người cho rằng việc áp dụng mức phạt chung khiến đèn vàng trở nên… thừa thãi. Dù vậy, nhiều người tham gia giao thông lên tiếng ủng hộ mức chế tài này bởi nó có tính chất răn đe hơn, đảm bảo an toàn giao thông.
Vậy khi gặp đèn vàng, người tham gia giao thông nên xử lý như thế nào thì hợp lý? Quy chuẩn số 41/2016 quy định: “Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.”
Như vậy, nếu đang chạy sát tới ngã tư và đèn chuyển vàng, người điều khiển phương tiện có thể tiếp tục chạy tiếp bởi nếu dừng lại đột ngột có thể gây ra đâm liên hoàn cho các xe phía sau. Trường hợp khi đèn chuyển vàng, bánh xe đã vượt qua “Vạch dừng xe” thì người điều khiển phương tiện cần tiếp tục cho xe đi tiếp và nhanh chóng thoát ra nút giao.
Trong trường hợp đèn giao thông có đèn đếm giây, bạn hoàn toàn có thể ước lượng việc xử lý dừng lại hay tăng tốc đi tiếp là phù hợp, tuân thủ theo Pháp luật và an toàn nhất.
Nhìn chung, mặc dù đèn vàng gây ra khá nhiều tranh cãi đối với người tham gia giao thông, mục đích của bất kì quy định giao thông vẫn là để đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người tham gia giao thông. Việc tuân thủ theo luật là cần thiết bởi sau tất cả sự an toàn là mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta.