Ran-Ban Stories sẽ được đồng bộ với Facebook View, ứng dụng lưu trữ và cho phép người dùng chỉnh sửa trước khi chia sẻ ảnh, video tới các ứng dụng khác (không chỉ Facebook).
Trên gọng kính có một nút bấm để quay video, hoặc người dùng chỉ cần nói: "Hey Facebook, take a video". So với kính Spectacles của Snapchat, Ray-Ban Stories kém tiên tiến khi không có màn hình ở mắt kính như phiên bản Spectacle mới nhất.
Nhưng bù lại, hai bên gọng kính của Ray-Ban Stories có loa dùng để kết nối Bluetoothe với điện thoại cho phép bạn nhận cuộc gọi hoặc nghe nhạc mà không cần nhấc điện thoại. Một touchpad nhỏ ở bên gọng cho phép bạn chỉnh âm lượng hoặc dừng các bản nhạc đang nghe.
The Verge cho hay, mặc dù tính năng có phần hạn chế, điểm ấn tượng nhất của Ray-Ban Stories lại đến từ việc nó có kiểu dáng thông dụng nhất so với các mẫu kính thông minh ra mắt trước đó, nên dễ tiếp cận với người dùng để sử dụng hàng ngày.
Ray-Ban Stories dễ sử dụng khi việc đồng bộ giữa kính và ứng dụng View chỉ mất vài giây. Camera kép 5 MP có thể quay video trong khoảng 30 giây hoặc chụp 500 bức ảnh trước khi bộ nhớ có sẵn của nó bị đầy.
Facebook cho biết sẽ mất khoảng 1 giờ để sạc đầy cặp kính này và thời gian sử dụng là 6 tiếng. Ứng dụng View cũng sẽ hiển thị dung lượng pin của kính khi được đồng bộ. Hộp đựng của nó được làm bằng chất liệu giả da, có thể sạc cho kính được khoảng 3 lần.
Ray-Ban Stories có giá từ 299 USD, có thể kết hợp 20 phiên bản khác nhau tuỳ vào màu sắc, kích cỡ và loại mắt kính. Ban đầu, nó chỉ được bán online trên trang web của Ray-Ban tại Mỹ, Canada, Anh, Italy, Ireland và Australia.